Thể thao Hà Nội quyết tâm nói không với doping

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hà Nội là đơn vị đầu tiên của cả nước thực hiện tập huấn về phòng, chống doping trong thể thao, nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến kiến thức và những quy định cho đội ngũ bác sĩ, y tá, quản lý, HLV của Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội.

Đơn vị đầu tiên của cả nước tổ chức               

Ngày 21/8, Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Doping và y học thể thao (Cục TDTT - Bộ VHTT&DL) tổ chức lớp tập huấn về phòng, chống doping trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến kiến thức và những quy định về phòng, chống doping trong thể thao cho đội ngũ bác sĩ, y tá, quản lý, huấn luyện viên.

Khóa tập huấn đầu tiên cho về phòng, chống doping do Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội tổ chức cho hơn 300 nhà quản lý và HLV.
Khóa tập huấn đầu tiên cho về phòng, chống doping do Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội tổ chức cho hơn 300 nhà quản lý và HLV.

Lớp tập huấn về phòng, chống doping trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao được tổ chức trong hai ngày 21 và 22/8. Tại các buổi học, học viên được khảo sát về kiến thức phòng, chống doping; cập nhật những quy định mới nhất về phòng, chống doping trên thế giới; danh mục chất cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao và cách tra cứu thuốc trong hỗ trợ, điều trị cho VĐV để bảo đảm không sử dụng chất cấm.

Theo Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội (Sở VH&TT Hà Nội) Đào Quốc Thắng: “Việc nghiêm cấm sử dụng chất cấm (doping) trong thể thao đã có những quy định rất chặt chẽ. Lý do của việc này là vì các rủi ro về sức khỏe của các loại chất cấm lên cơ thể VĐV; vì sự bất bình đẳng cho tất cả VĐV tranh tài; vì hình ảnh trung thực của thể thao. Sử dụng doping để thắng cuộc là đi ngược lại với tinh thần thể thao, do đó, việc kiểm tra doping luôn được đặt lên hàng đầu trong các cuộc thi đấu thể thao trên thế giới hiện nay” – ông Đào Quốc Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội (Sở VH&TT Hà Nội), thể thao Hà Nội cũng là một trong những đơn vị cấp tỉnh, thành, ngành đầu tiên của thể thao cả nước tổ chức khóa tập huấn về phòng, chống doping. Thời gian tới, VĐV Hà Nội sẽ dự nhiều giải quốc gia, quốc tế nên càng cần được phổ biến kịp thời, củng cố kiến thức về phòng, chống doping. Các trưởng, phó bộ môn, các huấn luyện viên khi tham dự khóa học có trách nhiệm truyền lại kiến thức từ khóa học cho VĐV.

Bổ ích và cần thiết

Thể thao Hà Nội quyết tâm nói không với doping.
Thể thao Hà Nội quyết tâm nói không với doping.

Tại Việt Nam, không ít VĐV phải nhận án phạt nặng từ việc có liên quan đến dử dụng doping phải kể đến như: Hoàng Hồng Anh (2 HCV môn Canoeing), Phạm Thị Dịu (3 HCV Lặn), Phạm Toàn Thắng (3 HCV Lặn), và Nguyễn Mai Quỳnh (HCB điền kinh) tại SEA Games 2003 hay trường hợp 2 VĐV cử tạ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng năm 2020, trước đó là vào năm 2019 của 2 VĐV cử tạ khác bị đình chỉ là Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh… Mới nhất là 5 trường hợp của điền kinh tại SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà: Quách Thị Lan (HCV 400m rào, HCV tiếp sức 4x400m, HCĐ 400m), Khuất Phương Anh (HCV 800m, HCB 1.500m), Vũ Ngọc Hà (HCV nhảy xa, HCB nhảy 3 bước), Hoàng Thị Ngọc (HCV tiếp sức 4x400m), Lê Ngọc Phúc (HCB 400m, HCB tiếp sức 4x400m).

Những trường hợp được xác định có liên quan đến doping đều có nhiều lý do cả chủ quan và khách quan. Theo một chuyên gia về Y học thể thao: “VĐV thường không hiểu vì sao lại dính chất cấm bởi sự thiếu hiểu biết và thiếu chuyên nghiệp. Nó có thể bắt nguồn từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống hàng ngày. Do vậy, cần phải việc quan trọng đầu tiên là nâng cao ý thức ngay từ các VĐV".

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế&Đô thị tại lớp tập huấn đầu tiên cho về phòng, chống doping sáng 21/8, HLV bộ môn Đấu kiếm Phạm Anh Tuấn cho biết, lớp học tổ chức là điều thiết thực cho cán bộ, HLV…  ngoài việc cập nhật danh mục các chất cấm của WADA, bản thân các HLV đều phải tự ý thức cũng như dặn dò các VĐV. “Với công nghệ như hiện nay, mỗi cán bộ, HLV, VĐV đều có thể tự mình cập nhật thông tin liên quan đến doping, tuy nhiên việc nêu cao tinh thần, chủ động trong việc phòng và chống doping luôn được đặt lên mức hàng đầu. Những lớp học, tập huấn sẽ giúp cán bộ, HLV có thêm kiến thức để chủ động hơn trong việc phòng, chống doping” - HLV Phạm Anh Tuấn bày tỏ.

Được biết, thời gian tới Cục TDTT, các Liên đoàn sẽ tổ chức, áp dụng việc kiểm tra doping, yêu cầu các chứng nhận về đào tạo, tập huấn của các cán bộ, HLV, VĐV tại các giải Vô địch Quốc gia để hướng tới các giải đấu “sạch”, công bằng.

 

Thông tư 17/2015/TT-BVHTT&DL (ngày 20/12/2015) Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao qui định rõ về việc xử lý vi phạm được các Liên đoàn, Hiệp hội thực hiện: “Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận đánh giá mức độ vi phạm doping, cơ quan có thẩm quyền, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia ban hành Quyết định xử lý vi phạm bao gồm: Hình thức xử phạt, thời gian cấm tham gia hoạt động thể thao trên cơ sở đánh giá mức độ vi phạm và hình phạt bổ sung theo quy định của Liên đoàn, Hiệp hội.