Thể thao hướng đến sự thực chất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chọn Hà Nội là nơi đăng cai SEA Games 31 vào năm 2021 được coi là một phương án phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại.

Nhìn rộng ra, ngành thể thao phải hướng đến những chiến lược phát triển một cách thực chất.

Phương án phù hợp

Trước đây, từng có phương án đưa SEA Games 31 vào TP Hồ Chí Minh. Đây là phương án nhằm thúc đẩy sự phát triển của thể thao TP Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam. Bởi lẽ, khi ấy, các địa phương này sẽ được đầu tư xây dựng mới, hoặc cải tạo hệ thống cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện và thi đấu. Kết thúc SEA Games, các hạng mục này sẽ được giao cho địa phương quản lý phục vụ sự nghiệp phát triển của phong trào thể thao.
Bộ VH - TT&DL quyết định chọn địa điểm tổ chức tại Hà Nội cho SEA Games 2021
Bộ VH - TT&DL quyết định chọn địa điểm tổ chức tại Hà Nội cho SEA Games 2021
Tuy nhiên, sau khi phương án TP Hồ Chí Minh đăng cai SEA Games được đưa ra, các nhà quản lý đã bày tỏ lo ngại về bài toán kinh phí. Bởi lẽ, với khoản kinh phí dự toán là 2.000 tỷ đồng cho SEA Games 31, rất khó để TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận chuẩn bị về hệ thống cơ sở vật chất cũng như công tác tổ chức sự kiện. Riêng việc xây sân vận động mới, khu thể thao dưới nước, cung điền kinh đã tốn hàng nghìn tỷ đồng.

Để ngân sách không gặp khó khăn, ngành thể thao quyết định đưa SEA Games ra Hà Nội, nơi đang có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ từ hồi SEA Games 22. Chỉ cần đầu tư chỉnh trang, nâng cấp với một khoản kinh phí vừa phải, Hà Nội và các địa phương xung quanh hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu tổ chức SEA Games. Và cuối cùng, phương án này đã được Bộ VHTT&DL đề nghị UBND TP Hà Nội thông qua.

Tiết kiệm nhưng hiệu quả

Theo đề án đăng cai SEA Games 31, kinh phí cho sự kiện này vào khoảng 1.742,2 tỷ đồng… Đây là con số chấp nhận được trong bối cảnh ngân sách đang đối diện với nhiều khó khăn. Ngoài ngân sách của TP, Chính phủ sẽ có sự hỗ trợ về kinh phí cho Hà Nội.

Trước đây, dư luận từng nói đến sự lãng phí trong việc tổ chức các sự kiện thể thao văn hóa. Thậm chí, nhiều trường hợp, các công trình được đầu tư với kinh phí lớn nhưng sau khi kết thúc sự kiện thì bị đắp chiếu. Ngành thể thao phải chi một số tiền lớn để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Vậy nên, dư luận cho rằng, đã đến lúc ngành thể thao phải hướng đến những chiến lược hành động hiệu quả và tiết kiệm. Các sự kiện thể thao phải tạo ra động lực cho sự phát triển. Các công trình phải được khai thác một cách thường xuyên, mang đến ích lợi cho cộng đồng. Muốn vậy, ngay từ khi xây dựng quy hoạch thì nó phải hướng đến cộng đồng, thể hiện nhu cầu của cộng đồng.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của các nhà chuyên môn, bên cạnh việc tổ chức một kỳ SEA Games tiết kiệm, hiệu quả, hoàn thành tốt vai trò với sự phát triển của thể thao Đông Nam Á, Việt Nam phải biến SEA Games 31 thành sự kiện thúc đẩy thể thao phát triển bài bản, thực chất.

Theo đó, với tư cách nước chủ nhà, Việt Nam phải lấy tinh thần Olympic làm trọng thay vì đưa những môn thể thao phong trào, không phổ biến trong khu vực vào chương trình thi đấu như bấy lâu nay. Thể thao Việt Nam phải đi đầu trong việc loại bỏ căn bệnh thành tích vốn đã ăn sâu vào tiềm thức những nước chủ nhà SEA Games. Có như vậy thì thể thao Việt Nam nói riêng và thể thao Đông Nam Á nói chung mới giúp SEA Games thoát khỏi cái tiếng “hội làng”, đồng thời, tạo động lực cho sự phát triển chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần