Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thẻ thông hành để hội nhập

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển bền vững, gắn liền với tăng trưởng xanh đang là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với DN ở mọi nền kinh tế và cũng được coi là "thẻ thông hành" để DN cũng như quốc gia hội nhập. Những năm gần đây, nhận thức của các DN Việt Nam về phát triển bền vững đang dần tiến bộ nhờ nỗ lực của các tổ chức, cơ quan truyền thông, báo chí.

 Ảnh minh họa
Trước đây, nhiều người chỉ hiểu phát triển bền vững gói gọn trong các hoạt động từ thiện, hỗ trợ người nghèo hoặc xây dựng trường học, đường sá cho những vùng xa xôi, tiến bộ hơn là biết quan tâm đến tiết giảm chi phí năng lượng, tiêu thụ nước và chất thải môi trường… Nhưng đến nay nhận thức này đã dần hoàn thiện, thậm chí nhiều DN còn xác định kinh doanh bền vững là kim chỉ nam cho sự phát triển lâu dài của mình. Vì thế họ tập trung tìm hiểu các tiêu chí phát triển bền vững, nhiều DN đã xây dựng được báo cáo phát triển bền vững thường niên theo chuẩn mực quốc tế.
Đã qua rồi cái thời DN chỉ biết nhìn vào lợi ích trước mắt, sẵn sàng gạt bỏ những giá trị lâu dài (môi trường, lao động, đóng góp xã hội…) để đạt được lợi nhuận nhanh và nhiều nhất có thể. DN đã nhìn ra rằng, mặc dù để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, họ sẽ gặp rất nhiều thách thức, tốn kém, chẳng hạn như phải áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để ít gây tổn hại cho môi trường, phải quan tâm hơn tới đời sống người lao động, xã hội… Nhưng bù lại họ sẽ được đón nhận nhiều cơ hội kinh doanh, cơ hội hội nhập, các cơ hội gia tăng giá trị với các cổ đông…
Một DN phát triển bền vững cũng tạo ra những giá trị lan tỏa cho cộng đồng. Nói như ông Trần Túc Mã - Tổng Giám đốc Công ty CP Traphaco, giá trị mà một DN phát triển bền vững tạo ra cho cổ đông và xã hội sẽ không chỉ là cổ tức mà còn là nhiều giá trị khác như công ăn việc làm, bảo vệ môi trường và duy trì nguồn vốn tự nhiên.

Bên cạnh những DN đang không ngừng nỗ lực vì mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế thì vẫn còn không ít “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Đó là những DN, những người sản xuất sẵn sàng vì cái lợi trước mắt mà rũ bỏ trách nhiệm với cộng đồng, xả chất thải độc hại ra môi trường, coi thường tính mạng và sức khỏe người lao động và người tiêu dùng. Những cá nhân, tổ chức, DN đó đã và sẽ bị đào thải, bị xã hội tẩy chay như trường hợp Vedan Việt Nam, Formosa Hà Tĩnh, Miwon…

Các DN hãy ghi nhớ rằng nếu muốn lớn mạnh, muốn gia tăng giá trị và tiếp cận thị trường trị giá 12.000 tỷ USD vào năm 2030 thì buộc phải thay đổi tư duy theo hướng phát triển bền vững, bởi cơ hội chỉ dành cho những DN thức thời, coi trọng phát triển bền vững. Ở quy mô lớn hơn, phát triển bền vững gắn liền với tăng trưởng xanh cũng là "tấm thẻ thông hành" để các quốc gia trong đó có Việt Nam hội nhập và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.