Thêm cầu vượt - thêm cơ hội cho đô thị ven sông Hồng

Minh Tường/Giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - PV đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân về chủ trương xây dựng thêm nhiều cầu vượt sông Hồng của TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Tân khẳng định: “Thêm cầu vượt sông là thêm cơ hội cho sự phát triển của khu vực đô thị ven sông Hồng”.
Ông nhận định như thế nào về hệ thống cầu vượt sông Hồng của Hà Nội hiện nay?
Hà Nội là vùng đất may mắn có dòng sông Hồng chảy qua, mang lại rất nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc giao lưu vận tải giữa bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cầu đường.
Trước đây chúng ta có một số cầu lớn như: Thăng Long, Chương Dương, sau đó xây dựng thêm được cầu Nhật Tân, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, đều là những cây cầu vô cùng quan trọng đối với Hà Nội. Nhưng thực tế là số lượng cầu bắc qua sông Hồng chưa bao giờ đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hoá cũng như giao thương phát triển kinh tế xã hội của TP.
Thực tế đó dẫn đến hệ quả như thế nào thưa ông?
Việc thiếu các cầu lớn qua sông dẫn đến sự mất cân đối trong phát triển đô thị. Bên bờ Nam phát triển rất nhanh, mật độ dân cư đông, trong khi bờ Bắc dù có nhiều tiềm năng lại chưa đạt được như kỳ vọng do thiếu sự kết nối với khu vực đô thị trung tâm. Thực tế đó đòi hỏi TP phải xây dựng thêm nhiều cầu để kết nối và tạo điều kiện cho bờ Nam hỗ trợ bờ Bắc sông Hồng, hướng tới sự phát triển toàn diện, đồng đều của Thủ đô.
  Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân.
Thời gian tới, khi Hà Nội hoàn thành quy hoạch phát triển 2 bên bờ sông Hồng, thì nhu cầu vận tải vượt sông về hàng hoá cũng như hành khách là rất lớn, chưa kể đến yếu tố du lịch đường sông và đường bộ. Nếu chậm đầu tư các cây cầu có thể ảnh hưởng đến chiến lược phát triển đô thị ven sông của Hà Nội.
Ngoài ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, các cầu vượt sông Hồng còn có vai trò gì nữa thưa ông?
Bên cạnh việc liên kết các huyết mạch giao thông, nhiều cầu vượt sông Hồng còn có ý nghĩa rất lớn đối với quy hoạch đô thị, tổ chức xã hội của đô thị Hà Nội. Ví dụ như việc di dân từ khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm - PV) ra bên bờ Bắc sông Hồng, khu vực huyện Gia Lâm, quận Long Biên, muốn thực hiện được phải có hệ thống cầu thông thương tốt nhất để cho người dân đi lại thuận tiện mới thực hiện được. Phân bố hợp lý mật độ dân cư, từ đó phát triển đồng đều kinh tế xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của quy hoạch đô thị. Với những cây cầu vượt sông lớn, nhiệm vụ đó có thể hoàn thành.
Việc đầu tư xây dựng thêm các cầu vượt sông Hồng cần chú ý đến vấn đề gì thưa ông?
Theo tôi, bất kỳ lúc nào có điều kiện TP Hà Nội hãy đầu tư xây dựng thêm cầu vượt sông Hồng, để khớp nối hệ thống giao thông, tạo ra sự phát triển đồng đều giữa hai bờ Nam - Bắc về kinh tế xã hội và văn hoá. Thêm cầu vượt sông là thêm cơ hội cho sự phát triển của khu vực đô thị ven sông Hồng.
Và trong quá trình đầu tư TP phải xác định được một danh mục ưu tiên, cầu nào cần làm trước, cầu nào có thể để lại sau. Ví dụ như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là vô cùng quan trọng, kết nối Vành đai 2 Thủ đô với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vành đai 3…, nên được đầu tư trước, nhanh chóng, kịp thời là rất chính xác. Hay như cầu Chương Dương cũng đã cũ và cần lên kế hoạch thay thế, cầu Trần Hưng Đạo có ý nghĩa với việc giãn dân phố cổ cũng cần triển khai nhanh chóng…
  Dự án Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Hơn nữa, chúng ta đã có điều kiện về kinh tế hơn, nên việc xây dựng cầu không chỉ chú trọng vào công năng, độ bền mà còn phải đặt ra yêu cầu cao về tính thẩm mỹ. Hà Nội cần có những cây cầu mang tính biểu tượng về kiến trúc, thấm đẫm văn hoá của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Có nhiều ý kiến lo ngại về việc thiếu vốn đầu tư cho các cầu vượt sông Hồng, theo ông Hà Nội phải giải quyết vấn đề này thế nào?
Trong bối cảnh đô thị hoá vũ bão như hiện nay, Hà Nội phải dốc tiềm lực để đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông, mà các công trình này lại rất tốn kém. Bởi vậy việc thiếu vốn đầu tư là một khó khăn, thách thức.
Hiện có nhiều hình thức chuẩn bị nguồn vốn đầu tư như: ngân sách nhà nước, xã hội hoá (đối tác công tư - PV)… Mà việc kêu gọi đầu tư xã hội hoá thì cần phải có cơ chế rõ ràng, hấp dẫn. Hà Nội cần sự ủng hộ rất lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng cơ chế, tháo gỡ khó khăn, nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư xã hội hoá.
Tuy nhiên, khi đầu tư bằng hình thức nào thì cũng phải tính toán đến việc thu hồi vốn cho nhà đầu tư, bảo đảm hài hoà giữa chủ đầu tư và người dân, phải được hạch toán và tính toán một cách cụ thể kỹ lưỡng để được người dân đồng tình ủng hộ.
Xin cảm ơn ông!