70 năm giải phóng Thủ đô

Thêm cơ chế hỗ trợ thiết thực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương sẽ xây dựng thêm chính sách hỗ trợ Hà Nội phát triển ngành tiểu thủ...

Kinhtedothi - Bộ Công Thương sẽ xây dựng thêm chính sách hỗ trợ Hà Nội phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tại các làng nghề. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại buổi làm việc với Sở Công Thương Hà Nội ngày 13/3.

Nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất

Hiện, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng làng nghề TTCN nhiều nhất nước. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường lớn và khó tính như EU, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ… Tuy nhiên, ngành TTCN Hà Nội vẫn còn gặp những khó khăn về mặt bằng sản xuất, vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Sản xuất hàng thêu thủ công tại làng nghề Quất Động, huyện Thường Tín.                      Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất hàng thêu thủ công tại làng nghề Quất Động, huyện Thường Tín. Ảnh: Hoài Nam
 
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, mặt bằng dành cho sản xuất của các cơ sở sản xuất TTCN tại làng nghề đều chật hẹp, hầu hết đều đặt tại gia đình, nơi sản xuất cũng là nơi sinh hoạt. Bên cạnh đó, đa số các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Tại một số huyện, tuy đã xây dựng cụm TTCN nhưng do tiền thuê mặt bằng cao nên việc thu hút cơ sở sản xuất vào hoạt động rất khó khăn… Đây là những nguyên nhân khiến các cơ sở sản xuất không thể đầu tư, đổi mới công nghệ và thiết bị để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề chưa thực sự được chú trọng, xuất khẩu hàng hóa vẫn phải qua trung gian nên không tránh khỏi tình trạng bị động trong sản xuất, bị đối tác ép giá khiến hiệu quả sản xuất không cao. Bà Đào Thu Vịnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Hiện, vốn cho sản xuất kinh doanh cũng đang là vấn đề nan giải. Nguyên nhân là bởi vốn sản xuất của người dân làng nghề chủ yếu là vốn tự có, cơ sở sản xuất đặt tại gia đình nên việc tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng còn hạn chế. 

Thực tế cho thấy, do lãi suất vay còn cao, thời hạn vay theo quy định của ngân hàng ngắn (từ 6 - 12 tháng) nên nguồn vốn vay không đáp ứng được quy trình sản xuất. Điều này dẫn đến tình trạng tại một số làng nghề như làng nghề dệt Phùng Xá (Mỹ Đức), may Tam Hiệp (Phúc Thọ)… nợ đọng vốn tín dụng của các hộ sản xuất đang ở mức báo động. Thiếu vốn cũng là nguyên nhân khiến các cơ sở sản xuất TTCN chấp nhận việc sử dụng máy móc thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu do không thể đầu tư đổi mới thiết bị sản xuất.

Cần cơ chế hỗ trợ

Muốn ngành TTCN Hà Nội phát triển mạnh mẽ thì việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế hỗ trợ không chỉ trông chờ vào Sở Công Thương Hà Nội mà đòi hỏi các bộ, ngành chung tay tháo gỡ. 

Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị: Đối với những cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm trong quy hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành nghề ở nông thôn, Nhà nước nên miễn, giảm thuế 3 - 5 năm đầu.  Bên cạnh đó, khi các cơ sở sản xuất TTCN đầu tư sản xuất tại các cụm TTCN cũng cần được hưởng chính sách miễn giảm tiền thuê đất từ 3 - 5 năm. "Đây là một giải pháp thu hút các doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất vào cụm  TTCN, từ đó mở  rộng sản xuất" - ông Thăng khẳng định. 

Để hỗ trợ ngành công thương Hà Nội phát triển ngành TTCN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với TP Hà Nội trong việc xây dựng đăng ký  thương hiệu riêng cho một số mặt hàng TTCN đặc trưng của Hà Nội. Ngoài ra, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh việc đào tạo nghề, cải thiện môi trường làng nghề cũng như các cụm sản xuất TTCN. 

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, ngành ngân hàng nên có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề vay vốn sản xuất như: Tăng vốn vay, hạ lãi suất và gia hạn vốn vay, hỗ trợ các cơ sở sản xuất vay vốn bằng hình thức bảo lãnh tín dụng, có ưu đãi về thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có đơn hàng được vay vốn với lãi suất thấp, thời gian vay từ 1 - 3 năm…

Bộ Công Thương cùng với Bộ KH&ĐT đã có kiến nghị Chính phủ sớm có kết luận theo Chỉ thị 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp. Việc làm này có tác dụng hỗ trợ TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch khu công nghiệp trên địa bàn, từ đó triển khai việc đầu tư mở rộng các cụm công nghiệp tạo mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng phát triển sản xuất.