Nhận diện vướng mắc
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng, tuyến đường sắt trên địa bàn quận đi qua 6 phường gồm: Cửa Nam, Hàng Bông, Cửa Đông, Hàng Mã, Đồng Xuân và Phúc Tân có chiều dài khoảng 3,5km.
Khu vực được coi là phố cà phê đường tàu kéo dài hơn 1km qua địa bàn 4 phường Cửa Nam, Hàng Bông, Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm) và Điện Biên (quận Ba Đình).
Thời gian qua, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến quay phim chụp ảnh tại khu vực tuyến đường sắt tập trung đông, chủ yếu trên địa bàn hai phường Cửa Đông và Hàng Bông làm phát sinh các dịch vụ kinh doanh phục vụ du lịch như: cà phê đường tàu, các hàng ăn nhanh…
Những hoạt động này nằm trong phạm vi an toàn đường sắt, gây mất an toàn giao thông (ATGT) và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Về nguyên nhân tồn tại phố cà phê đường tàu, theo ông Trịnh Hoàng Tùng do yếu tố lịch sử, cho đến nay trong phạm vi bảo vệ đường sắt và hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn quận còn tồn tại khoảng 100 hộ dân sinh sống.
Đây chủ yếu là nhà của nhân viên đường sắt sinh sống ở đây từ trước năm 1960, trước khi Luật Đất đai và Luật Đường sắt có hiệu lực.
Theo kiểm tra, khoảng cách mép ngoài đường ray đến tường nhà dân trung bình từ 2 – 3,6m, trong khi đó phạm vi bảo vệ của Luật Đường sắt là 5,4m tính từ mép đường ray ngoài và hành lang ATGT đường sắt là 3m tính từ phạm vi đường sắt.
Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm cùng với lực lượng chức năng của TP và ngành đường sắt thường xuyên triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo trật tự ATGT; ban hành những phương án phối hợp với các lực lượng tuần tra xử lý vi phạm; thành lập các đoàn liên ngành xử lý vi phạm quanh khu vực phố cà phê đường tàu.
Các phường cũng thường xuyên ra quân tuyên truyền, xử lý vi phạm hành lang ATGT đường sắt như: tháo dỡ mái che, mái vẩy, mái hiên di động, biển quảng cáo và vật dụng lấn chiếm hàng lang an toàn đường sắt; xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt.
Đồng thời cắm các biển báo bằng tiếng Việt, tiếng Anh tại các đường ngang để cảnh báo người dân và du khách; cắm các chốt trực do lực lượng chức năng và các đoàn thể đảm trách từ 8h -20h hàng ngày để nhắc nhở và giữ trật tự ATGT.
“Tuy nhiên, do tình trạng khách du lịch đến Hoàn Kiếm và khu vực phố cà phê đông dẫn đến tình trạng tập trung chụp ảnh và hộ dân kinh doanh vi phạm. Khi lực lượng chức năng tập trung xử lý chốt trực thì vi phạm giảm nhưng không có lực lượng chức năng thì vi phạm lại tái diễn, nhất là ngoài giờ hành chính và trong giai đoạn lễ, Tết” – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhận định.
Từng bước tháo gỡ
Nhằm đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, trước đó, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra nhắc nhở và yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
Trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
Thứ nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân và du khách; tuyên truyền các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật tại những vị trí thường xuyên vi phạm.
Thứ hai là tổ chức các kế hoạch, phương án đảm bảo trật tự ATGT nói chung, tăng cường trực chốt, tuần tra, xử lý vi phạm.
Thứ ba là tăng cường thiết lập hồ sơ xử lý các hộ kinh doanh vi phạm theo quy định và tổ chức lực lượng trực chốt để việc xử lý có hiệu lực, hiệu quả.
Thứ tư là phối hợp với ngành đường sắt để giải tỏa các hộ lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, những công trình kiến trúc mái che, mái vẩy, cây cối biển quảng cáo nằm trong phạm vi hành lang an toàn.
Đồng thời phối hợp với Cục Đường sắt tiến hành nghiên cứu bịt lối đi qua đường sắt đã được hình thành trên phố Phùng Hưng để ngăn chặn khách du lịch thường xuyên đi lại qua lối này.
Về lâu dài, quận Hoàn Kiếm sẽ nghiên cứu lắp đặt camera giám sát để phạt nguội với hành vi vi phạm.
Ông Trịnh Hoàng Tùng cho biết thêm, vừa qua, quận Hoàn Kiếm đã làm việc với Viện Chiến lược phát triển giao thông để đặt vấn đề về số liệu nghiên cứu đối với việc quản lý khu vực đường tàu sao cho vừa đảm bảo ATGT theo quy định vừa đảm bảo an sinh cho người dân tại khu vực.
Theo Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường, hiện nay, về mặt pháp lý quận Hoàn Kiếm có 2 văn bản, một là Luật Thủ đô sửa đổi mới ban hành cho phép Thủ đô có thẩm quyền quyết định một số nội dung cao hơn so với luật chuyên ngành. Thứ hai là Quốc hội đang sửa Luật đường sắt.
Về lâu dài, đường sắt quốc gia chắc chắn sẽ có dự án để phát triển, Hà Nội sẽ nghiên cứu kỹ các cơ sở pháp lý này để khi luật áp dụng vào thực tiễn đạt được hiệu quả tối đa. Qua đó vừa giúp giải quyết vấn đề trước mắt và vấn đề lâu dài về kinh tế, du lịch, thương mại lẫn vấn đề về ATGT đường sắt nói riêng và ATGT nói chung.