Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), những năm qua, DN CNHT phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng DN đang hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành. Doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo... Đáng chú ý, một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn… Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, trong số khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện trên toàn quốc, chỉ có khoảng 300 DN tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Đáng nói, năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các DN CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đến nay, các DN nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT. Khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các DN sản xuất nội địa còn rất lớn.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh nhìn nhận, ngành CNHT và chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như: Điện tử, dệt may, da – giày - túi xách, sản xuất, lắp ráp ô tô... Vì vậy, khi dịch Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào. Phải đến khi các quốc gia này đã qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi.
Đưa chính sách hỗ trợ vào thực tếCùng với rất nhiều chính sách ưu đãi. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với nhiều chính sách mới, kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn cho CNHT. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, để phát triển ngành CNHT Việt Nam, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ DN CNHT. Đồng thời, tiếp tục có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có sự liên kết và chuyển giao công nghệ, cũng như tạo ra những lan tỏa cho DN CNHT trong nước. Cụ thể, Bộ đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giầy đến năm 2030, tầm nhìn 2035; sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm ô tô để khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước; xây dựng Nghị định về phát triển ngành cơ khí trọng điểm.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện, 2 trung tâm này đang kiện toàn bộ máy tổ chức và đã có các hoạt động hỗ trợ DN CNHT tại một số địa phương trên cả nước. Đồng thời, 2 trung tâm cũng hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.