Nó đồng thời còn ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ của Nhật Bản với Hàn Quốc giữa khi Nhật Bản đang cần Hàn Quốc trong tập hợp lực lượng ở khu vực cùng với Mỹ để đối phó với Trung Quốc tăng cường tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Cho nên không có gì là khó hiểu khi cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc đều đã lập tức thể hiện thái độ phản đối quyết liệt. Phản ứng đó chắc chắn đã được ông Abe trù tính trước. Từ xưa tới nay, tất cả những động thái của chính giới ở Nhật Bản liên quan đến ngôi đền này đều có tác động chính trị tới quan hệ của Nhật Bản với các nước láng giềng trong khu vực. Tác động chính trị đó càng thêm to lớn bởi ông Abe tới thăm đền giữa khi quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang rất căng thẳng. Cho nên, phía Trung Quốc mới coi đó là một hành động khiêu khích. Có lẽ ông Abe muốn thể hiện trước hết sự tự tin trong đối phó với Trung Quốc, không những không sợ Trung Quốc mà còn sẵn sàng thách thức Trung Quốc. Thông điệp đó và việc tới thăm ngôi đền này có tác dụng tranh thủ lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở trong đảng cầm quyền cũng như trong xã hội ở Nhật Bản. Ông Abe lại rất cần sự hậu thuẫn chính trị ấy cho việc thực hiện dự định còn to tát hơn nhiều là sửa đổi hiến pháp vốn hạn chế đáng kể vai trò chính trị an ninh và quân sự mà ông Abe muốn gây dựng cho Nhật Bản trên thế giới. Trong thời gian một năm kể từ khi trở lại cầm quyền đến nay ở Nhật Bản, ông Abe đã nhiều lần công khai biểu lộ dự định ấy và cũng đã có những bước đi cụ thể để thực hiện nó. Chuyến thăm đền Yasukuni là động thái mới nhất theo hướng ấy. Ngoài ra, thiên hạ còn cho rằng vì lý do gia đình mà bản thân ông Abe cũng rất muốn tới thăm đền. Nhưng dù với lý do gì thì kết quả vẫn là căng thẳng và trắc trở thêm với láng giềng.