Thêm hồi chuông cảnh báo tai nạn lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lại thêm một vụ sập giàn giáo nghiêm trọng, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, 4 người bị thương vừa xảy ra, và thêm một lần nữa, những hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn lao động tiếp tục vang lên.

Điều đáng quan ngại là dù những vụ tai nạn lao động thường xuyên xảy ra, nhưng “căn bệnh mất an toàn lao động” trên nhiều công trường xây dựng dường như vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm?!
Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn.
Lại một hồi chuông và rất nhiều nước mắt
Sáng 10/7, trong lúc hàng trăm công nhân thuộc công trình xây dựng Mapletree Business Center (TP.HCM) đang làm việc thì bất ngờ hàng trăm mét vuông giàn giáo đã đổ sập xuống khiến 7 công nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng PCCC quận 7  đã được huy động đến hiện trường khẩn trương triển khai công tác cứu hộ. 

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tấn Bửu - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP. HCM cho biết, đã có ít nhất 3 người thiệt mạng, 4 người khác bị thương trong vụ sập giàn giáo này. 

Theo ghi nhận tại hiện trường, công trình nêu trên do Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình làm tổng thầu thi công, Tập đoàn Mapletree Việt Nam làm chủ đầu tư. 

Theo thiết kế, công trình gồm 1 tầng hầm, 17 tầng cao, được khởi công vào ngày 30/5 vừa qua theo Giấy phép xây dựng số 05/GPXD-BQLKN, ngày 13/5/2015, do Ban quản lý khu Nam cấp. Diện tích giàn giáo bị sập ước lượng khoảng 2.000m2 và có độ cao 8m.
Thêm hồi chuông cảnh báo tai nạn lao động - Ảnh 1

Anh Trần Văn Lâm, công nhân làm tại công trình xây dựng Mapletree Business Center kể lại vụ sập giàn giáo.
Anh Trần Văn Lâm (39 tuổi) công nhân trực tiếp tham gia thi công tại công trình cho biết, trong lúc anh và mọi người đang làm việc bỗng nghe một tiếng rắc, quay lại ai cũng hoảng hốt khi thấy khối bê tông đổ ụp xuống đầu. Mọi người cuống cuồng tháo chạy, nhưng có 7 người bị mắc kẹt trong đống đổ nát.

“Bê-tông từ trên cao ào ào đổ xuống tôi vội bỏ chạy nhưng vấp ngã, rồi ngất xỉu. Khi có người kéo lên, tôi tưởng mình chết rồi...”, anh Lê Văn Nhật, một trong số những người được lực lượng cứu hộ đưa ra từ đống đổ nát cho biết. Cũng theo anh Nhật, nghĩ đến thời điểm đó bản thân anh vẫn chưa hết bàng hoàng dù đã được các y bác sĩ của Bệnh viện quận 7 chăm sóc và phần nào trấn tĩnh rồi.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như anh Lâm, anh Nhật. Đã có ít nhất 3 người lao động bỏ mạng tại công trường, 3 người vợ mất chồng, 3 người mẹ mất con, 3 gia đình đẫm nước mắt đau thương...

Căn bệnh đã đến hồi trầm kha?! 

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, trong năm 2014 cả nước xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết 630 người. Trên địa bàn cả nước, TNLĐ liên quan đến lĩnh vực xây dựng chiếm 33,1% tổng số vụ và 33,9% tổng số người chết. 

Từ đầu năm 2015 đến nay, trên cả nước, những vụ tai nạn lao động thương tâm liên tiếp xảy ra tại các công trình xây dựng trọng điểm đã khiến các bộ, ngành liên quan “đứng ngồi không yên”. Mới đây, vào tháng 5/2015, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đã phải chủ trì buổi làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan về tình hình tai nạn lao động. Tại buổi làm việc này, đã có nhiều ý kiến “đặt vấn đề” vào khâu thanh, kiểm tra và cho rằng phải xem xét lại khâu đào tạo, chất lượng của các lớp học nghề.
Thêm hồi chuông cảnh báo tai nạn lao động - Ảnh 2

Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM trả lời về vụ tai nạn.
Sau vụ tai nạn xảy ra tại TP.HCM vào sáng nay (10/7), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã chỉ đạo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra ngay vụ việc. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan có giải pháp khắc phục kịp thời sự cố, xác định nguyên nhân, trách nhiệm các chủ thể tham gia trong quá trình xây dựng, khẩn trương báo cáo Bộ Xây dựng. 

Bộ chủ quản quyết liệt, các cơ quan chức năng quyết liệt và hễ cứ mỗi lần tai nạn lao động xảy ra là một lần người ta nói về “hồi chuông cảnh báo”. Đáng tiếc rằng, cho dù “hồi chuông cảnh báo” liên tục thường xuyên reo, nhưng “căn bệnh” mất an toàn lao động trên nhiều công trường xây dựng dường như vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, mà lại thêm trầm kha?!