Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thèm lắm cảnh sum vầy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi lần nghe ai nói về cảnh sum vầy, về những bữa cơm gia đình với những câu chuyện vui, bỗng dưng nước mắt chị lại trào ra… Quả là đã rất lâu rồi, cả gia đình chị không ngồi chung mâm cơm với nhau.

Chị biết, lỗi không phải do anh, mà do vòng quay của cuộc sống cứ cuốn họ đi xa nhau mỗi ngày, anh chẳng còn thời gian cho mẹ con chị. Đến ước mơ được ăn cùng mâm đủ bố mẹ và con cũng là điều xa xỉ đối với họ, thì làm sao dám mơ đến những giờ phút được tâm sự cùng nhau, được cùng nhau sẻ chia sự quan tâm lo lắng. Công việc của chị - chị biết, công việc của anh - anh lo… Chị cứ tự hỏi không biết họ đã sống như thế không biết từ bao giờ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Hỏi đấy, rồi lại tự mình trả lời. Chị không dám trách anh, bởi chính chị cũng từng lao đầu vào công việc, với những lo toan để thăng tiến, để thành đạt, để khẳng định giá trị bản thân. Chị đã từng bỏ mặc gia đình cho người giúp việc để bận mải công việc. Chị chỉ chợt giật mình khi nghe mẹ nói: “Phụ nữ biết đủ là đủ, đừng ham công danh quá. Con thử nhìn lại sau lưng mình xem, gia đình có còn hơi ấm nữa không?”. Chị nhìn lại, mới nhận thấy rằng, anh bắt đầu ít về nhà ăn tối, con gái thèm ánh mắt quan tâm của mẹ. Mẹ khuyên chị nên thu xếp công việc thế nào đó để giữ chân chồng. Chị thấy cũng phải, bởi vì gia đình chị không phải quá khó khăn về tài chính đến nỗi phải làm việc quá vất vả, bởi vì chỉ mình anh nỗ lực thôi cũng là đủ trang trải cho cuộc sống rồi. Chị bớt việc công, lo việc nhà nhiều hơn, nhưng hình như mọi việc đều đã quá muộn. Chồng chị đã quen chân nơi quán xá, thậm chí có những lần đi làm về đến nhà rồi, cơm đã bày trên bàn, nhưng có cú điện thoại, anh lại sẵn sàng dắt xe đi ngay.

Có những thời gian dài, anh ăn ở ngoài nhiều hơn ở nhà. Thậm chí cả tháng, cả nhà chị không ăn chung với nhau bữa cơm tối. Con gái chẳng nói chuyện được với bố câu nào, vì khi bố về thì nó đã đi ngủ, khi nó dậy thì bố đã ra khỏi nhà. Tỷ lệ thuận với những bữa nhậu, những mải miết ấy, công việc của anh càng thuận lợi, thăng tiến hơn. Anh càng kiếm được nhiều tiền hơn, đưa tiền cho chị nhiều hơn, nhưng sao chị thấy không vui khi nhận đống tiền ấy. Chị chỉ mong trở lại những ngày xưa, những ngày họ chưa dành hết thời gian cho công việc, những ngày tiếng cười rộn rã trong những bữa cơm đạm bạc nhưng đủ đầy chồng vợ. Buồn, nhưng chị không dám càu nhàu gì anh. Vả lại, ngoại trừ chuyện không về nhà ăn cơm cùng vợ con, anh chẳng có lỗi gì với gia đình cả. Nhưng chị biết sức chịu đựng của mình và nó đang bị bào mòn từng ngày, từng ngày một và điều chị thấy có lỗi hơn cả đó chính là con gái.

Chị biết, dù có cố gắng bù đắp thế nào, sự thiếu vắng bố trong những bữa cơm gia đình hay những quan tâm nhỏ nhặt trong cuộc sống vẫn khiến con thấy hụt hẫng. Có những hôm con được điểm tốt, có niềm vui, rất muốn đợi bố về để khoe, nhưng đáp lại những cuộc điện thoại của mẹ con chị chỉ là những tiếng tuýt dài. Nỗi háo hức, mong chờ... đã trở nên vô nghĩa. Những khoảng trống vô hình cứ khoét sâu vào gia đình chị.

Thỉnh thoảng anh về sớm hay những lúc gặp nhau chớp nhoáng buổi sáng trước khi đi làm, anh hay bảo sao dạo này chị hơi ốm, nên ăn uống nhiều hơn… Anh bảo hình như con gái dạo này xinh hơn trước… Anh đâu biết những lúc ấy, chị cố ngăn dòng nước mắt cứ chực trào ra. Anh đâu biết được mong ước của mẹ con chị nhỏ nhoi và đơn giản như thế nào. Chị rất muốn nói cho anh hiểu cảm giác ấy, nhưng dường như cả thời gian để anh nghe câu chuyện cho có đầu có cuối cũng không có, vì anh luôn bận. Anh luôn cho rằng anh đang lo cho gia đình đấy thôi, “thăng tiến và thành đạt”, đó chẳng phải vốn là mong ước của chị sao…

Cứ thế, cuộc sống cuốn họ trôi đi, mất dần những điểm chung, sự gắn kết. Chị chỉ ước rằng, giá như có một lần nào đó, anh chợt ngoảnh lại phía sau nhìn chị và con, anh sẽ thấy mắt chị ngấn lệ mỗi khi anh quay xe đi. Chị rất sợ đến một lúc nào đó, sự tồn tại của anh trong cuộc sống của mẹ con chị chỉ còn là nghĩa vụ mang tiền về hàng tháng, là trên danh nghĩa vợ chồng thế thôi…

Mệt mỏi sau những nỗ lực gọi cho anh không được, mẹ con chị ngồi trước mâm cơm nguội lạnh, chị chợt nghe tiếng cười rộn ràng. Quay lại, hóa ra là trên ti vi đang phát cảnh một gia đình quây quần bên nhau trong bữa ăn đầm ấm. Con gái bảo: “Giá nhà mình cũng được ăn cơm thế mẹ nhỉ?”. Nhìn con, chị chợt thở dài mà cay xè khóe mắt. Chị cũng đang mơ có được những bữa cơm gia đình đầm ấm như vậy, nhưng chị cũng không biết liệu có quá khó.