Thêm nhiều giải pháp tăng tỷ lệ tham gia BHXH với lao động phi chính thức

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/6, tại TP Hồ Chí Minh, Báo Kinh tế và Đô thị cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm chủ đề “Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức”.

Tham dự tọa đàm có đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp, lãnh đạo khu chế xuất và các khách mời là cá nhân các lao động trong diện lao động phi chính thức chưa tiếp cận với các chính sách bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt còn có sự góp mặt của gần 30 cơ quan báo đài của địa phương và trung ương đã cùng tham dự tọa đàm.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Báo Kinh tế và Đô thị thông báo tổ chức cuộc thi: “Những cống hiến thầm lặng”. Được biết, đây là năm thứ 3, Báo Kinh tế và Đô thị cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức cuộc thi này.

Toàn cảnh tọa đàm: “Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức”, sáng ngày 9/6
Toàn cảnh tọa đàm: “Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức”, sáng ngày 9/6

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết, với tên gọi “Những cống hiến thầm lặng” Ban tổ chức cuộc thi đã gửi gắm những mong muốn đến các anh chị phóng viên cùng các tác giả là cây bút không chuyên sẽ tập trung tôn vinh những gương sáng của cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, đã nỗ lực xây dựng môi trường làm việc lành mạnh an toàn cho lao động, nhất là lao động nữ, hay đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số. Cuộc thi Những cống hiến thầm lặng khá đa dạng về thể tài, vừa đón nhận các tác phẩm là phóng sự, phản ánh, ghi chép, bút ký, ký sự, chân dung nhân vật… trên các ấn phẩm phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử…; vừa đón nhận cả các tác phẩm đăng tải trên các diễn đàn xã hội…

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại tọa đàm
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại tọa đàm

“Bảo vệ nhóm người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, dân tộc ít người, người nghèo… là điểm chung của Kinh tế và Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam cùng hướng đến. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện chúng tôi tìm được tiếng nói chung để đưa cuộc thi ngày càng lan tỏa đến đông đảo truyền thông và bạn đọc. Qua mỗi một năm, số lượng các tác giả tham gia cuộc thi luôn tăng lên, số lượng bạn đọc truy cập, quan tâm với mỗi sự kiện do chúng tôi tổ chức lên đến hàng chục ngàn người/mỗi sự kiện. Đồng thời với đó là quy mô tổ chức cuộc thi cũng được nâng lên” -  PGS.TS Nguyễn Thành Lợi chia sẻ.

Tiếp nối các chủ đề của mùa 1, sang đến mùa 2, năm 2022, bên cạnh việc tổ chức nhận bài, Ban tổ chức đã đồng hành cùng với các tác giả dự thi trong từng vấn đề an sinh xã hội được bạn đọc quan tâm. Cụ thể như tổ chức 2 tọa đàm chuyên môn gồm: “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều”, “Quyền làm việc cho người khuyết tật: Từ chính sách đến thực tiễn”. Và đến mùa thứ 3, năm 2023, chương trình tọa đàm được tổ chức định kỳ từng quý, và mở rộng thêm các hoạt động chuyên đề tại nhiều tỉnh thành.

nhà báo Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ các Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam, Phó Trưởng BTC cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 phát biểu tại tọa đàm.
nhà báo Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ các Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam, Phó Trưởng BTC cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 phát biểu tại tọa đàm.

Theo nhà báo Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ các Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam, Phó Trưởng BTC cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023: "Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, hiện nay cả nước có tổng số hơn 33 triệu lao động phi chính thức, trong đó  chỉ 0,2% được đóng bảo hiểm bắt buộc, 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào. Điều này dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” ở phần không nhỏ người lao động. Điều  đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ với hệ thống pháp luật về lao động. Bởi vì, lao động khu chính thức lại chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, giờ lao động và chế độ nghỉ ngơi, nghỉ phép, ốm đau, thai sản…Trong khi đó, lao động khu vực phi chính thức hiện đang giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo.

Là  một một tổ chức phi chính phủ hoạt động phi lợi nhuận nhằm thực hiện hỗ trợ các chương trình, dự án giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển cộng đồng và tài trợ, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn theo quy định của pháp luật Quỹ Hỗ trợ các chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam ( AFV) thấy mình có trách nhiêm và cơ hội đồng hành cùng báo Kinh tế & Đô thị, tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) có những hành động, góp chung tiếng nói nhằm góp phần  cải thiện tình trạng chưa tiếp cận đến BHXH nêu trên của phần đông lao động phi chính thức".

Ban tổ chức tặng hoa chúc mừng các diễn giả tham gia tọa đàm.
Ban tổ chức tặng hoa chúc mừng các diễn giả tham gia tọa đàm.

Để cuộc tọa đàm đi vào trọng tâm, có nhiều nguồn thông tin hấp dẫn, là cơ sở để chúng ta cùng nhìn nhận đánh giá, những giải pháp với mong muốn nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH của lĩnh vực phi chính thức. Nhà báo Tạ Việt Anh - Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi đề nghị các vị diễn giả và khách mời cần đi vào 3 trọng tâm:

-Tình hình thực tế tham gia BHXH của lao động phi chính thức

-Doanh nghiệp và người lao động gặp khó như thế nào trong việc thực hiện BHXH với người lao động, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức??

-Đề xuất các giải pháp, bày tỏ các ý kiến để mở rộng diện bao phủ BHXH cho lao động phi chính thức.

Các diễn giả trao đổi rất nhiều thông tin về tình hình thực tế tham gia BHXH của cả nước và địa phương
Các diễn giả trao đổi rất nhiều thông tin về tình hình thực tế tham gia BHXH của cả nước và địa phương

Tỷ lệ tham gia BHXH của lĩnh vực lao động phi chính thức rất thậm, ở từng địa phương như quận Bình Tân, hay bức tranh chung của TP Hồ Chí Minh cũng đều gặp vướng. Chị Lâm Tiểu Oanh – lao động tự do, chị Nguyệt Hằng chủ doanh nghiệp cây xanh cũng thừa nhận, có rất nhiều băn  khoăn trong việc tiếp cận với BHXH tự nguyện, hoặc vận động người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Các khách mời đã bày tỏ với các diễn giả, từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, các ông bà có giải pháp nào để giữ chân người tham gia BHXH và nâng cao tỷ lệ người lao động tự do tham gia BHXH.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Diệu - Trưởng phòng Lao động thương binh xã hội quận Bình Tân, Phó Trưởng ban Quản lý chương trình hỗ trợ phát triển quận Bình Tân: "Tính đến nay, tổng số đơn vị kinh tế đang hoạt động trên địa bàn quận hơn 53.000 đơn vị, trong đó hơn 25.000 doanh nghiệp và hơn 28.000 hộ kinh doanh. Quận Bình Tân có 03 khu công nghiệp lớn là Tân Tạo, Vĩnh Lộc, và Tân Bình mở rộng. Ngoài ra, quận còn có Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam với hơn 40.000 lao động. Tốc độ công nghiệp hóa nhanh đã tạo việc làm cho rất nhiều người lao động thu hút nhiều lao động từ các tỉnh thành về cư trú trên địa bàn quận.

Hàng năm Quận có triển khai công tác cập nhật thông tin cung lao động theo Thông tư 01/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/01/2022 của Bộ LĐTB&XH đến UBND 10 phường. Theo kết quả thống kê năm 2022 số người trong độ tuổi lao động 649.621 người, trong đó lao động tự do là 261.785 người".

Bà Phạm Thị Ngọc Diệu - Trưởng phòng Lao động thương binh xã hội quận Bình Tân, Phó Trưởng ban Quản lý chương trình hỗ trợ phát triển quận Bình Tân bày tỏ ý kiến tại tọa đàm.
Bà Phạm Thị Ngọc Diệu - Trưởng phòng Lao động thương binh xã hội quận Bình Tân, Phó Trưởng ban Quản lý chương trình hỗ trợ phát triển quận Bình Tân bày tỏ ý kiến tại tọa đàm.

Tuy nhiên, cũng theo bà Diệu: Lao động phi chính thức tại quận Bình Tân nói riêng cả nước nói chung sẽ có một số đặc điểm chung như: việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp (thu nhập bình quân của nữ giới thấp hơn của nam giới), thời gian làm việc dài; không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác. Khi làm việc làm phi chính thức, người lao động không có sự bảo vệ về mặt pháp lý hoặc bảo vệ xã hội nên dễ tổn thương với các rủi ro kinh tế. Và lao động phi chính thức cho dù làm trong khu vực chính thức cũng không được điều chỉnh bởi các quy định về lao động, thuế, an sinh xã hội hoặc các chế độ việc làm khác.

Chính những rào cản này đã khiến lao động phi chính thức chưa mặn mà tham gia BHXH. Tại tọa đàm lần này, các diễn giả đã gợi mở nhiều giải pháp để nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH của lao động phi chính thức.

Ông Trần Dũng Hà- Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh Hà cho rằng: Giải pháp gì để nâng cao người tham gia BHXH tự nguyện, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh nêu, có thể nói đây là vấn đề khó. Vì vậy, để đạt được hiệu quả trong việc nâng cao tỷ lệ lao động phi chính thức tham gia  BHXH tự nguyện cần kết hợp nhiều yếu tố như: Chính sách, thu nhập và nhận thức. Nếu 3 yếu tố này kết hợp sẽ giúp số người tham gia BHXH tăng lên đáng kể.

Đến với buổi toạ đàm hôm nay, trong số lao động phi chính thức, tôi chú ý đến nhóm người chạy xe công nghệ, ví dụ tại quận Tân Bình, nhiều lao động hình thức này nhưng họ không tham gia BHXH tự nguyện.

Liên hệ với Bộ luật Lao động năm 2019, ông Hà chia sẻ, Bộ luật Lao động mới sửa đổi có điều chỉnh đối tượng điều chỉnh mở rộng hơn. Nếu như Bộ luật Lao động 2012 quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động... trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động thì Bộ luật Lao động 2019 mở rộng thêm đối tượng là người làm việc không có quan hệ lao động cùng một số tiêu chuẩn riêng.

Việc điều chỉnh cả các việc làm không có quan hệ lao động đã mở rộng và đảm bảo người sử dụng lao động phải nghiêm túc hơn trong quá trình sử dụng lao động. Những trường hợp dù không kí kết hợp đồng nhưng hai bên thỏa thuận, có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.

Đây là hành lang pháp lý để bảo vệ cho người lao động làm việc trong khu vực lao động phi chính thức để nghiên cứu, đặc biệt người lao động sử dụng công nghệ.

Còn ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐTB&XH bày tỏ: Hiện nay, nhiều hình thức kinh tế mới ra đời (ví dụ: kinh tế chuyển đổi, kinh tế chia sẻ, kinh tế số…) kéo theo lực lượng bán hàng công nghệ, bán hàng online xuất hiện nhiều. Vậy làm sao để đưa lực lượng này vào lao động chính thức là vấn đề cần được đặt ra. Hiến kế để thu hút sự tham gia của người lao động tham gia BHXH tự nguyện, theo tôi cần:

Thứ nhất, giải pháp truyền thông phải xác định là hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức của người lao động phi chính thức.

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó khuyến khích chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với người lao động và để người lao động ý thức được vị thế của mình.

Thứ ba, tăng cường giám sát ở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tập trung thực hiện tối đa đưa chính sách vào thực tiễn. Phải tiếp tục nhấn mạnh chế tài xử lý, trốn đóng BHXH.

Thứ tư, cần bổ sung hình thức thụ hưởng với BHXH tự nguyện. Vừa qua, việc bổ sung chính sách thụ hưởng thai sản được đưa vào dự thảo Luật BHXH (SĐ) đang lấy ý kiến là một điểm mới rất tiến bộ.

Giải pháp cuối cùng là phải tăng cường đào tạo tay nghề, để người lao động tham gia thị trường lao động bền vững.

 

Năm 2023, Ban Tổ chức cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” – lần 3 phát động cuộc thi với mục tiêu nâng cao hiểu biết của các bên liên quan, bao gồm người lao động (nhất là lao động nữ), người sử dụng lao động, cộng đồng về những thách thức trong thực hiện việc làm thỏa đáng ở khu vực chính thức và phi chính thức trong bối điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn và thách thức tại Việt Nam.

Đồng thời, phát hiện và tôn vinh những sáng kiến, đóng góp thầm lặng của các cá nhân, tập thể trong việc đảm bảo việc làm thỏa đáng cho người lao động; quan tâm thực hiện công tác chăm lo, đãi ngộ và những điều kiện tốt nhất cho lao động nữ, nhất là lao động nữ nhập cư ở thị trường lao động phi chính thức.

Ngoài ra, chú trọng tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đối với người sử dụng lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm; thực hiện những giải pháp để chăm lo, đãi ngộ cho lao động nữ, trong đó có lao động nữ khuyết tật để họ ổn định cuộc sống. Cuộc thi cũng hướng đến các nội dung chính sách về bảo hiểm xã hội cho lao động nữ ở cả lĩnh vực chính thức và phi chính thức.

Tại mùa 3, Ban tổ chức sẽ trao 18 giải cá nhân, 01 giải tập thể với tổng giải thưởng trị giá 195 triệu đồng. Cuộc thi lần này cũng đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa Báo Kinh tế và Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam bằng việc ký kết thoả thuận hợp tác giai đoạn 2023 – 2025.