Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, nợ, trốn đóng BHXH vẫn tồn tại kéo dài, nhức nhối nhiều năm qua đến nay vẫn chưa có “thuốc đặc trị”, khiến người lao động (NLĐ) phải chịu “thiệt đơn, thiệt kép”.
"Liều thuốc đặc trị"
Hà Nội đang đối mặt với một thực trạng đáng lo ngại khi có hơn 90.600 DN chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Theo thông tin từ BHXH Hà Nội, số tiền nợ tích lũy lên đến hơn 5.400 tỷ đồng, trong đó gồm cả khoản lãi chậm đóng lên đến hơn 1.500 tỷ đồng.
Giám đốc BHXH Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, tỷ lệ nợ BHXH ở Thủ đô chiếm tới 6,8%, cao nhất cả nước. Trong số này có hơn 15.000 DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, mất tích dẫn đến nợ không có khả năng thu hồi.
Ngành bảo hiểm đã gửi nhiều văn bản kiến nghị đến cấp thẩm quyền để xem xét xử lý. Những lao động bị nợ đóng, ngành ưu tiên tách ra khi xử lý chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, trợ cấp một lần, chốt sổ chuyển sang nơi làm việc khác.
Trước thực tế trên, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Quang Thắng đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp xử lý tình trạng nợ, trốn đóng BHXH trên địa bàn gây hệ lụy lớn tới người NLĐ.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng nợ BHXH, Giám đốc BHXH Hà Nội cho rằng, do những khó khăn về sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19 khiến một số DN không có đơn hàng, không có khả năng đóng đầy đủ bảo hiểm cho NLĐ. Một số DN có điều kiện nhưng lại chây ì không đóng. Về chủ quan, do cán bộ BHXH chưa quyết liệt đôn đốc dẫn đến số nợ tăng cao.
Trước tình trạng vẫn còn nhiều DN chậm đóng BHXH, nhằm siết chặt hành vi chậm đóng BHXH, mới đây, BHXH TP công bố danh sách 50 đơn vị sử dụng lao động điển hình, chậm đóng BHXH, với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Những đơn vị này đã chậm đóng BHXH từ 6 - 24 tháng, tính đến hết tháng 5/2024.
Một số đơn vị chậm đóng thời gian từ 1 - 2 năm như: Công ty CP Thi công và thiết kế nội thất đẹp (quận Hoàng Mai); Công ty CP Công nghiệp và Thương mại Đại Việt (quận Nam Từ Liêm); Công ty CP Tập đoàn Farm Foods Việt Nam (quận Tây Hồ)…
Theo luật định, những đơn vị trong danh sách này đã có hành vi vi phạm phát luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Những con số trên cho thấy, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đã và đang diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy. Điều này không những ảnh hưởng tới quyền lợi trước mắt, trực tiếp của NLĐ mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động vào hệ thống BHXH.
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp đặc trị với hành vi chậm, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Đây không chỉ là mong mỏi của NLĐ mà còn là mong muốn rất lớn từ ngành BHXH.
Nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động, BHXH Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp đôn đốc thu, giảm tối đa tình trạng đơn vị, DN chậm đóng, trốn đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN.
Sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trốn đóng BHXH
Luật BHXH (sửa đổi) quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Có thể thấy, thời gian qua, các cơ quan chức năng TP Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay góp phần khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH. Trong đó, việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về BHXH tại các đơn vị, DN vi phạm phát huy hiệu quả khá tích cực. Chỉ trong tháng 6/2024, ngành đã thực hiện 512 cuộc thanh kiểm tra. Như vậy, trong 6 tháng năm 2024, liên ngành đã thực hiện 1.488 cuộc.
Sau thanh kiểm tra, các đơn vị nộp 110,1 tỷ đồng (đạt 83,9%) để khắc phục nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Đáng chú ý, qua công tác thanh tra chuyên ngành, phối hợp thanh tra liên ngành, BHXH TP, các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã phát hiện, xử phạt và kiến nghị UBND TP xử phạt hành chính hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN theo thẩm quyền 10 đơn vị đóng trên địa bàn, tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính, hiện nay, các đơn vị, DN vi phạm chính sách BHXH không được vinh danh, khen thưởng. Tuy nhiên, các giải pháp hiện hành chưa đủ sức mạnh để khắc phục, xử lý triệt để tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Được biết, BHXH Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến cuối tháng 12 giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH xuống còn 2,2%, bảo đảm thu chặt chẽ để ổn định nguồn Quỹ BHXH. Ngành sẽ công khai danh sách DN chây ì, nợ đóng.
Để hoàn thành mục tiêu trên, BHXH Hà Nội đề nghị các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra, thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Việc thanh kiểm tra tập trung vào các đơn vị, DN chưa đăng ký đóng BHXH, đóng BHXH không đầy đủ, chậm tiền đóng từ 3 tháng trở lên, giảm tiền lương đóng BHXH.
Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng kiên quyết xử phạt hành vi vi phạm, kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định đối với các đơn vị, DN cố tình chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh đó, ngành đề xuất TP các biện pháp cụ thể như không cho phép các DN nợ đóng tham gia đấu thầu dự án và có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý.
Đề cập đến vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, trường hợp cố tình trốn đóng BHXH phải đưa ra pháp luật xử lý, bởi trong luật đã quy định có biện pháp xử lý hành chính hoặc đưa ra xử lý hình sự.
Theo ông Huân, xử lý DN vi phạm rất khó khăn nhưng cơ quan chức năng vẫn phải làm, chia ra 2 loại, một loại là cố tình chây ì, một loại là do điều kiện khách quan dẫn đến khó khăn; phân loại để xử lý và có các biện pháp phù hợp. Trong luật sửa đổi đã quy định rõ, vấn đề nào thuộc hành chính, vấn đề nào thuộc hình sự. Cùng với đó, cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra, giám sát, xử phạt để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Luật BHXH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. So với Luật BHXH 2014, Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều thay đổi hướng tới các mục tiêu lớn. Trong đó, Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Riêng hành vi trốn đóng còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH gồm: bắt buộc đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, BHTN chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Riêng hành vi trốn đóng BHXH còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Như vậy, có thể thấy, Luật BHXH (sửa đổi) với nhiều quy định mới được thông qua, giúp các bên có căn cứ pháp lý, tìm ra phương án hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, sớm giải quyết triệt để tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Để chậm, nợ đọng đến trốn đóng BHXH kéo dài là lỗ hổng chính sách, cần sửa đổi đồng bộ nhiều luật chứ không riêng Luật BHXH.
Phó đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga