Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm nhiều văn bản mới được ban hành

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 7 nghị định của Chính phủ và 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 đều được hỗ trợ

Trong đó, Nghị định số 88/2021/NĐ-CP ngày 1/10/2021 của Chính phủ quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần. Nghị định số 88 đã hoàn thiện đầy đủ căn cứ và thống nhất các quy định về việc đấu giá băng tần, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trước đây.

Nghị định là căn cứ pháp lý quan trọng để Bộ TT&TT có thể sớm triển khai đấu giá các băng tần sử dụng cho phát triển các mạng 4G/5G góp phần vào mục tiêu nâng cao chất lượng mạng thông tin di động hiện có, sớm triển khai thương mại và phủ sóng rộng rãi mạng 5G thúc đẩy chuyển đổi số mang lại lợi ích cho DN, người dân.

Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định quy định về bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, 2 chức danh lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.

Nghị định cũng quy định về hình thức, nội dung bồi dưỡng, chương trình, tài liệu bồi dưỡng, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm trong việc xây dựng, ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng.

Nghị định số 91/2021/NĐ-CP ngày 21/10/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô. Nghị định này quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, trách nhiệm của các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô; cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm có quy mô vùng và tính chất liên kết vùng của Vùng Thủ đô.

Vùng Thủ đô gồm 10 tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên.

Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. 

Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế gồm: (1) Giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với DN, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; (2) miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021; (3) giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề; (4) miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các DN, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.

Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ ngày 28/10/2021 đến 31/12/2023.

Về quy định cụ thể mức ký quỹ (sau khi giảm), mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa 20 triệu đồng; mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế: Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50 triệu đồng; kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài 100 triệu đồng; kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài 100 triệu đồng.

Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó quy định cụ thể về: đối tượng hỗ trợ; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ tính mức hỗ trợ; mức hỗ trợ; trình tự, thủ tục thực hiện. Giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó quy định cụ thể về: đối tượng được hỗ trợ; giảm mức đóng, thời hạn thực hiện.

Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 6/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Quyết định này quy định về mức, thời gian và điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư.

Theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.