Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm phương thuốc chống dịch online

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc cả nước căng mình chống dịch Covid-19 suốt trong hơn 2 tháng qua cũng cần phải nhìn nhận cuộc chiến chống tin giả tràn lan trên mạng xã hội diễn ra cũng không kém phần căng thẳng.

Tuy nhiên, với việc ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” vừa được Chính phủ ban hành được cho là phương thuốc mạnh hơn trong việc phòng chống những thông tin gây hoang mang dư luận trên mạng đang lan tràn hiện nay.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo thống kê tính đến giữa tháng 3/2020, cơ quan chức năng đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật, trong đó xử phạt hành chính 146 cá nhân. Trong số này cũng xuất hiện cả những người nổi tiếng như ca sỹ, diễn viên, cá biệt là một cá nhân ở Hà Nội vốn là người nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng đã có gần 300 bài viết sai sự thật về dịch Covid-19.
Do đó, không chỉ tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, có trách nhiệm khi chia sẻ thông tin, bình luận trên môi trường mọi mà việc có một cơ sở pháp lý là rất cần thiết để tạo thói quen tìm hiểu kỹ các nguồn tin để kiểm chứng, không lan truyền những nội dụng độc hại, chưa được xác nhận của cơ quan chức năng hoặc tổ chức uy tín có chuyên môn. Đây cũng là giải pháp nhằm tránh gây hoang mang trong cộng đồng cũng như những rắc rối mà bản thân sẽ gặp phải với pháp luật.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định rõ người dùng sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu dùng mạng xã hội để thực hiện những hành vi như: Cung cấp chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm; Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... Không những bị xử phạt, người vi phạm còn phải có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do mình đăng tải.
Như vậy có thể thấy, bên cạnh Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng hay mới đây là hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19 cùng Nghị định 15/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, cơ quan chức năng đã có đủ “công cụ” nhằm triệt tiêu nạn tin giả, tin sai sự thật “ăn theo” dịch Covid-19.