Thêm quyền cho trẻ em?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi có tốt hơn dưới 16; tăng thêm quyền cho trẻ em;...

Kinhtedothi - Quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi có tốt hơn dưới 16; tăng thêm quyền cho trẻ em; không nên lập Ủy ban kiểm tra, là những đề xuất được các chuyên gia bàn luận nhiều tại hội nghị tham vấn về Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (gọi tắt Luật Trẻ em) sửa đổi vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nâng thêm 2 năm, liệu có tốt?

Ưu điểm nổi bật của dự án Luật Trẻ em sửa đổi là thể hiện nhận thức đầy đủ hơn về quyền trẻ em so với Luật hiện hành. Các quyền thuộc 4 nhóm quyền trẻ em đã được ghi nhận bằng các văn bản quy phạm pháp luật trong dự thảo Luật. Điểm mới của dự án Luật là quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Là một trong nhiều chuyên gia đồng tình tăng tuổi trẻ em lên 2 năm, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phân tích: Giữ quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi thì những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ không được bảo vệ, chăm sóc theo Luật Trẻ em. Trong đó, lứa tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 về mặt thể chất và tâm sinh lý đang trong quá trình thay đổi phức tạp, cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, xã hội… Những vấn đề phát sinh khi chấp nhận phương án trẻ em là người dưới 18 tuổi về pháp luật cũng như đầu tư là có thể khắc phục được.
Cần tăng quyền nhiều hơn nữa cho trẻ em.  Ảnh: Anh Tuấn
Cần tăng quyền nhiều hơn nữa cho trẻ em. Ảnh: Anh Tuấn
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết lại có quan điểm khác: Việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên dưới 18 được Bộ LĐTB&XH giải thích là để phù hợp với Công ước về quyền trẻ em (CRC). Tuy nhiên, đối chiếu với CRC thì thấy quy định có độ mở: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp Luật liên quan đến trẻ em quy định tuổi trưởng thành sớm hơn”. Như vậy, quy định mở của CRC cho phép các quốc gia thành viên Công ước xác định tuổi trẻ em phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của nước mình. Hơn nữa, ở nước ta từ xưa, các cụ có câu: “Mười bảy bẻ gãy sừng trâu” để nói ở tuổi này, cơ thể đã phát triển đến đỉnh cao, sức khỏe rất dồi dào. Từ ngày đất nước đổi mới, điều kiện sống được cải thiện thì thanh niên, thiếu niên và nhi đồng phát triển nhanh và sớm hơn. Hơn nữa, thực tế thời gian qua, tội phạm hình sự ngày càng trẻ. Mỗi khi xảy ra một vụ giết người ghê rợn mà tội phạm thoát án tử hình do chưa đủ 18 tuổi, dư luận lại lên tiếng yêu cầu xem xét quy định của pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Những vụ đánh đập, làm nhục người cùng trường, lớp để quay video tung lên mạng do người chưa thành niên thực hiện ngày càng nhiều, mà chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Nếu chúng ta xếp những đối tượng này là trẻ em, chắc chắn mức xử phạt vi phạm hành chính sẽ nhẹ hơn và không phải là giải pháp hữu hiệu để điều chỉnh thực tế.

Bổ sung quy định về quyền trẻ em

Quy định về quyền trẻ em trong dự thảo Luật còn có một số nội dung chưa thật sự đầy đủ và phù hợp nếu đối chiếu theo CRC và một số công ước khác về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia. Từ quan điểm này, PGS.TS Vũ Công Giao - khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định về các quyền trẻ em. Chẳng hạn, quyền được bảo vệ tính mạng, được đảm bảo tối đa các điều kiện cho sự sống còn và phát triển. Trẻ em có quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe ở mức cao nhất, được ưu tiên tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tại các cơ sở chữa bệnh, phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần. Trẻ em có quyền được chăm sóc nuôi dưỡng, được bảo đảm mức sống thích đáng để phát triển đầy đủ thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và xã hội… Trong khi đó, TS Đỗ Xuân Lân – Vụ trưởng Vụ Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc chỉnh lý, bổ sung quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí đối với trẻ em với tư cách là một quyền độc lập trong số quyền được bảo vệ của trẻ em. Trẻ em cũng có quyền được thông tin pháp luật miễn phí.

Nhiều ý kiến khác lại đồng tình đề nghị bổ sung các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt mà chưa được quy định trong dự án Luật và nghiên cứu để quy định những chế tài cũng như chính sách ưu tiên nhiều hơn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bởi “cuộc sống của trẻ em mồ côi, trẻ em con gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em tàn tật, trẻ em khuyết tật bẩm sinh, trẻ em nhiễm HIV, nghiện hút… đang đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn của Nhà nước, gia đình và xã hội” - PGS.TS Trần Thị Tâm Đan lý giải.

Cũng có những ý kiến đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em để giúp Chính phủ điều phối hoạt động, tạo cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy các cơ quan liên quan giải quyết các vấn đề và quyền trẻ em. Nhưng GS.TS Nguyễn Minh Thuyết phản đối bởi cho rằng chức năng của Ủy ban này trùng với chức năng của Bộ LĐTB&XH. Không những thế, việc lập một cơ quan liên ngành trùm lên trên, trong khi Bộ LĐTB&XH chỉ đóng vai trò thường trực, còn hạ thấp vai trò quyết định, làm mất sự chủ động của Bộ này khiến công việc khó có thể được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần