Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo chân ông lớn Vinacapital, khối ngoại tiếp tục rời bỏ KDC

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Khối ngoại hôm nay (21/8) xả ròng tập trung nhiều vào KDC của Công ty CP Tập đoàn KIDO với mức bán ròng 317 tỷ.

Kết phiên ngày 21/8, VN-Index tăng 1.77 điểm, tương ứng 0,15% lên 1.179 điểm. HNX-Index tăng 2 điểm lên 237.97 điểm.

Khối ngoại "xả" 300 tỷ đồng cổ phiếu KDC và hơn 290 tỷ đồng SSI

Thị trường chứng khoán ngày 21/8 có sự giằng co mạnh mẽ khi mở phiên sáng VN-Index lấp lánh màu xanh, sau đó tâm lý thị trường thay đổi. Nửa đầu phiên sáng chứng kiến lực bán mạnh, độ rộng rất hẹp, mức giảm sâu nhất hơn 13 điểm ở VN-Index. Cuối phiên sáng và chiều, lực cầu bắt đáy xuất hiện đã đẩy giá hồi lên. Tính đến 14 giờ 20 chiều, VN-Index đảo chiều hồi phục ngoạn mục tăng 9,26 điểm tương ứng 0,79% lên 1.187,25 điểm.

Khối ngoại hôm nay bán ra 2.564 tỷ đồng, tuy nhiên tập trung nhiều vào KDC của Công ty CP Tập đoàn KIDO với mức bán ròng 317 tỷ. Ngoài ra SSI cũng bị xả lớn 293 tỷ đồng.

KDC bị khối ngoại bán ròng 317 tỷ. Ngoài ra SSI cũng bị xả lớn 293 tỷ đồng.
KDC bị khối ngoại bán ròng 317 tỷ. Ngoài ra SSI cũng bị xả lớn 293 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 4/8/2023, VinaCapital đã thực hiện giao dịch bán hơn 2 triệu cổ phiếu của KDC, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,89% và chính thức không còn là cổ đông lớn của công ty này. 

Trong báo cáo tài chính công ty quý 2, KDC báo doanh thu thuần đạt 2.317 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Tuy vậy tỷ lệ giảm chi phí vốn lại thấp hơn, chỉ 21,8% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 303 tỷ đồng, giảm gần 66% so với cùng kỳ. Đáng chú ý nhất quý 2 vừa qua là khoản doanh thu tài chính 961 tỷ đồng, tăng đột biến so với con số 21 tỷ đồng ghi nhận trong quý 2 năm ngoái. Đây là khoản lãi từ thanh lý đầu tư (898 tỷ đồng). Khoản doanh thu tài chính này cũng giúp đảo ngược tình thế, do vậy dù doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế quý 2 vẫn tăng gấp 3 lần cùng kỳ, lên 651 tỷ đồng.

Thị trường giằng co, chứng khoán, ngân hàng kéo trụ

Phiên này, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là động lực tăng điểm chính trong đó ở rổ VN30, hầu hết các mã đều tăng điểm: STB tăng 3,19%, SHB tăng 1,67%, TCB tăng 1,03%... ngoài ra, LPB tăng 6,30%, MBB tăng 1,10%, VPB tăng 1,21%... Đặc biệt là BID tăng 5,09%, cổ phiếu của ngân hàng này cũng là mã góp phần tăng  nhiều điểm nhất cho VN-Index (3 điểm), tiếp theo là CTG (1,6 điểm).

Nhóm chứng khoán cũng là nhân tố góp phần kéo chỉ số VN-Index đảo chiều vào cuối phiên, dẫn đầu là VND tăng 3.5%, SSI tăng 2,3%, HCM tăng 1,41%...

Sau 6 tuần tăng liên tiếp, tuần này Vn-Index đã điều chỉnh rất mạnh khi nhu cầu điều chỉnh tăng cao do Vn-Index tiệm cận khu vực kháng cự 1.300 điểm. Chốt tuần VN-Index đóng cửa ở 1.177,99 điểm (giảm -54,22 điểm, -4,4%). Ở khu vực vận động trong tuần qua VN-Index tiệm cận khu vực cản mạnh đồng thời chưa có nhịp điều chỉnh thực sự từ khi uptrend hình thành nên những phiên điều chỉnh rung lắc mạnh như hôm nay là có thể xảy ra, trong bản tin tuần trước chúng tôi đã dự báo về khả năng này, tuy nhiên chúng tôi vẫn kỳ vọng đây chỉ là nhịp điều chỉnh thông thường và thị trường sẽ tích lũy lại để củng cố sức mạnh chuẩn bị cho nhịp tăng mới trong thời gian tới.

Về tình hình vĩ mô tuần qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục yêu cầu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời Chính phủ cũng yêu cầu NHNN xem xét sửa đổi thông tư 06 để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đặc biệt với các công ty bất động sản. Đây tiếp tục là những động thái tích cực tuy nhiên cần thêm thời gian để phát huy hiệu quả. Nhìn chung, thường thị trường chứng khoán sẽ có những phản ứng sớm hơn thực tế diễn biến kinh tế vĩ mô do tâm lý lạc quan của nhà đầu tư rằng những khó khăn có thể sẽ dần qua.

Nhận định về thị trường tuần này, báo cáo của Công ty Chứng khoán SHS cho biết, thị trường trong ngắn hạn đang trong vùng điều chỉnh mạnh và khó lường, các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể xem xét giải ngân dần tại các vùng hỗ trợ trong nhịp điều chỉnh này với kỳ vọng VN- Index sẽ có nhịp phục hồi mới và triển vọng trung hạn vẫn tốt. Trong trung, dài hạn thị trường đã hình thành uptrend. "Do vậy, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục đã giải ngân từ chân sóng theo khuyến nghị trong các bản tin ngày và tuần của chúng tôi. Trong trường hợp cần giải ngân thêm có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để tăng tỷ trọng, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay"- chuyên gia SHS khuyến nghị.