Người Việt Nam nói chung có tập tục từ xưa là kiêng cữ cho các sản phụ sau sinh. Tuy nhiên, quan điểm hiện đại cho rằng sự kiêng khem nghiệt ngã có thể gây ảnh hưởng xấu. Điều này khiến nhiều phụ nữ sắp làm mẹ thật sự bối rối, không biết nên theo kinh nghiệm dân gian hay y học hiện đại sẽ tốt hơn.
Ám ảnh vì kiêng cữ sau sinh
Thời gian sau khi sinh nở cơ thể phụ nữ tương đối yếu vì phải dồn sức khi sinh nên rất cần được chăm sóc, kiêng cữ đặc biệt để lấy lại sức khoẻ. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay có những điều kiêng kỵ được áp dụng một cách thái quá lại trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều sản phụ trẻ.
Ảnh minh họa
Với kinh nghiệm 2 lần sinh nở cùng nhiều lần chăm người đẻ, ngay khi con gái vừa sinh con đầu lòng bà V. đã liệt kê một danh sách dài các điều phải kiêng cữ như: không được tắm gội trong 3 tháng 10 ngày, phải nằm phòng kín gió nhưng không được mở quạt hay máy lạnh vì những thứ đó là khí độc nhập vào sẽ làm lạnh người, tai phải được bịt kín bằng bông gòn để tránh ù tai về sau, tuyệt đối không xem ti vi, không nghe điện thoai, không ăn đồ chua, đồ tanh…
Cũng bởi quan niệm ăn mặn thì sữa mới đặc, mới tốt cho con nên các món nấu cho bà đẻ cũng được bà mạnh tay cho nhiều muối hơn. Không những thế, thực đơn hàng ngày được bà áp dụng cho con gái cũng chỉ có vài món quen thuộc, chủ yếu vẫn là thịt nạc rang nghệ, canh đu đủ nấu chân giò, rau ngót với thịt nạc băm.
Mặc dù không thoải mái với những điều kiêng kỵ đó nhưng chị H. con gái bà vẫn tuân thủ tuyệt đối những kiêng kỵ do mẹ đề ra vì đơn giản nghĩ rằng kinh nghiệm của các cụ chắc chắn không thể sai được. Đến nay dù đã sinh con được hơn 2 năm chị vẫn thấy ám ảnh với những kiêng khem đó và mỗi khi nghĩ đến sinh con thứ 2 lại phải tiếp tục chuỗi hành trình đó chị rất ngại.
Dù nhiều lúc việc kiêng khem thái quá đã trở thành nỗi kinh hoàng của các sản phụ trẻ, nhưng cũng có nhiều chị em đồng tình với việc sản phụ phải kiêng khem chặt chẽ, theo kinh nghiệm người xưa, với suy nghĩ “có kiêng có lành”.
Có sản phụ còn răm rắp làm theo cách dân gian của các cụ ở một số vùng quê là “chín tháng ăn rươi, mười tháng ăn ruốc”, có nghĩa là với món rươi phải kiêng chín tháng và ruốc phải kiêng 10 tháng. Hay kiêng cữ cho bà đẻ thì không ăn thịt vịt, thịt ngan vì cho rằng ăn vào sẽ bị đầy hơi gây hậu sản. Rồi đến kiêng nắng, kiêng gió, không đi lại nhiều, không ngồi nhiều. Nhiều người còn nghĩ thời gian kiêng cữ càng lâu càng tốt.
Theo dân gian hay hiện đại mới tốt?
Theo BS. Nguyễn Thành Chương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ, trước đây người ta quan niệm rằng những việc kiêng cữ đối với phụ sản sẽ tốt cho những lần sinh nở sau cũng như cuộc sống sau này của người phụ nữ sẽ tránh được một số điều phiền toái, tuy nhiên, trên quan điểm y học hiện đại thì việc kiêng cữ quá mức là không cần thiết, thậm chí là có hại.
Ví dụ việc kiêng tắm trong một tháng là không nên. Vì một người phụ nữ sau sinh sản dịch ra rất nhiều, đây là môi trường máu và dịch sinh học rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Nếu chúng ta kiêng tắm trong vòng một tháng rõ ràng là điều kiện rất mất vệ sinh.
Thực tế cho thấy sau khi sinh, cơ thể người phụ nữ còn yếu, sai một ly là đi một dặm nên họ cần được chăm sóc cẩn thận. Tuy nhiên, chăm sóc tận tụy, chu đáo vẫn chưa đủ. Bởi khi áp dụng kinh nghiệm thiếu cơ sở khoa học thì đó có thể trở thành mối nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến cả sức khoẻ của người mẹ lẫn trẻ nhỏ.
BS. Lê Thị Kim Dung, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản và tình dục, Trung tâm y khoa Thái Hà cũng chia sẻ: Thực chất trên thế giới và trên những nghiên cứu khoa học thì cuộc sinh nở chẳng khác gì một cuộc hành kinh lớn mà. Điều này nói lên rằng mọi việc sẽ trở về bình thường sau sinh. Ở nước ngoài thậm chí đã có trường hợp một nữ nghị sĩ vừa sinh con hôm trước, hôm sau vẫn đi dự họp quốc hội. Như vậy mới thấy họ chẳng cần kiêng cữ gì cả.
Rồi việc quan niệm kiêng cữ không rửa tay bằng nước lạnh sau khi sinh vì sẽ làm nổi gân lên, theo BS. Dung lại cũng là một quan niệm sai lầm nghiêm trọng. Việc nổi gân là do giãn tĩnh mạch chứ không phải vì nước lạnh. Cũng không có một căn cứ khoa học nào, chưa có một tài liệu nào nói đến việc các lỗ chân lông của người phụ nữ sẽ hở ra sau khi sinh. Vì thế, chúng ta không cần phải kiêng cữ như thế.
Còn cái chính là sau khi sinh nở xong, người phụ nữ mất một lượng máu nên sự tuần hoàn máu lại thay đổi, lượng nội tiết cũng thay đổi đi. Nếu chúng ta nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống tốt thì sức khoẻ sẽ tôt, thậm chí nhiều người phụ nữ sau khi sinh da dẻ còn hồng hào, trở nên xinh đẹp hơn trước.
Việc kiêng ăn trong chế độ ăn uống hàng ngày của sản phụ còn đáng sợ hơn. Lời khuyên của BS. Dung là: Một người phụ nữ trước khi sinh không bị dị ứng với loại thức ăn gì thì sau khi sinh vẫn có thể tiếp tục ăn tất cả các loại thức ăn ấy một cách bình thường. Việc kiêng kỵ chỉ không có lợi cho sức khoẻ. Việc ăn kiêng chỉ làm vất vả cho cả nhà, vừa làm cho sản phụ ăn không ngon miệng, khi ăn không ngon miệng thì sữa tiết ra cũng không tốt.
Thực chất việc kiêng một số thức ăn gia vị là để sữa không bị hắc quá. Vì thế không ăn quá nhiều các gia vị như: hành, tỏi, ngũ vị hương, hạt tiêu… vì sẽ làm cho trẻ không thích những mùi vị đó.
Dù gì đi chăng nữa người phụ nữ khi sinh vẫn là một cuộc hành kinh lớn. Mà cuộc hành kinh lớn thì cũng mệt. Vì bản thân lúc này phụ nữ mất máu và cả sự gắng sức để sinh ra đứa trẻ. Những ngày đầu mới sinh chúng ta sẽ mệt nhưng không mệt tới mức phải kiêng cữ quá nhiều. Khi chúng ta có thể trở dậy hoạt động được thì nên trở dậy hoạt động ngay.
Theo BS. Kim Dung sinh nở được “mẹ trò, con vuông” là vô cùng hạnh phúc, chúng ta hãy cứ tận hưởng hạnh phúc này một cách thông minh nhất, chứ không nên để việc sinh nở đó phải gánh những hậu quả phía sau bằng những việc kiêng cữ quá mức. Nhiều người bị hậu sản chính từ việc ăn kiêng hay kiêng khem không ra ngoài trời dẫn đến thiếu vitamin, bệnh lao phổi…