Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Ám ảnh bóng ma tiêu cực

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, bóng đá khu vực Đông Nam Á chao đảo vì án phạt cấm thi đấu suốt đời với 22 tuyển thủ và cựu tuyển thủ Lào, Campuchia.

Những cá nhân này bị kết luận là có tham gia các đường dây dàn xếp tỷ số các trận bóng đá quốc tế ở cấp CLB cũng như đội tuyển quốc gia (ĐTQG).
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Lào Viphet khi hay tin hàng loạt cầu thủ dính tiêu cực đã không khỏi choáng váng. Lập tức ông đã gọi điện tham vấn những người bạn ở LĐBĐ Việt Nam (VFF) vốn có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng có liên quan đến tiêu cực. Lời khuyên được đưa ra từ VFF là sai đâu xử đó, chấp nhận đối diện với rủi ro và nhân cơ hội này làm sạch nền bóng đá. Tất nhiên, nội lực của bóng đá Lào và Việt Nam hoàn toàn khác nhau. Số đội bóng và thậm chí là ngôi sao bóng đá ở Lào chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nên, việc có đến 15 tuyển thủ hoặc cựu tuyển thủ vốn bắt đầu tham gia công tác huấn luyện, quản lý bóng đá bị cấm hành nghề suốt đời có thể ảnh hưởng đến sức mạnh của ĐTQG, thậm chí là kéo lùi sự phát triển của cả nền bóng đá. Nhưng dù thế nào thì LĐBĐ Lào, Campuchia hay Việt Nam cũng không thể thay đổi được sự thật. Cũng như cách đây không lâu, VFF đã mất gần một đội hình ĐTQG khi phát hiện tiêu cực tại 2 đội bóng Ninh Bình và Đồng Nai. Thời điểm đó, Ninh Bình đang có rất nhiều tuyển thủ nhưng chỉ vì vài trăm triệu đồng được hưởng lợi từ cá độ bóng đá, các ngôi sao đã dính vào tiêu cực để rồi người ngồi tù, kẻ bị cấm thi đấu suốt đời.
Những lời cảnh báo từ AFC và thậm chí là FIFA thường xuyên được gửi đến các nhà lãnh đạo bóng đá ở khu vực Đông Nam Á. Thông qua hệ thống cảnh báo của mình, AFC phát hiện sự bất thường ở nhiều trận đấu quốc tế có sự tham gia của các đội bóng trong khu vực. Thế nhưng, những cảnh báo này không thay đổi được thực tế và từ năm 2014, AFC đã âm thầm mở cuộc điều tra và họ đã phát hiện ra được những mảng tối của bóng đá Đông Nam Á. Mới đây nhất, HLV trưởng ĐTQG Campuchia Peas Sothy cũng bị nhận diện là “có vấn đề” khi dẫn dắt đội tuyển U19 tham gia giải vô địch Đông Nam Á tại Hà Nội. Ông này bị cho là có tác động nhằm thao túng kết quả trận đấu. Việc những nhân vật có tiếng nói quyết định ở khu vực Đông Nam Á dính đến tiêu cực khiến cuộc khủng hoảng về niềm tin bùng nổ. Có lẽ phải mất nhiều thời gian và sự trả giá thì các nhà quản lý bóng đá ở khu vực mới cải thiện được chỉ số lòng tin ở các tổ chức quốc tế cũng như dư luận trong nước. Và từ nay đến lúc đó, các trận đấu của những đội tuyển vốn đã bị cảnh báo sẽ được đặt trong tầm ngắm từ các tổ chức quốc tế.
Việc các thành viên cốt cán của nền bóng đá “dính chàm” không phải là chuyện hiếm. Ngay cả việc nhiều người đã phải trả giá vì sai lầm của mình nhưng người sau vẫn có thể bước vào vết xe đổ. Nói đâu xa, tại Việt Nam, khi chiến dịch “bàn tay sạch” được thực hiện năm 2005, 2006 thì các trận đấu đã được yên ổn một thời gian. Nhưng không lâu sau đó, người ta lại phát hiện hàng loạt sự cố với sự tham gia của nhiều ngôi sao sân cỏ. Bóng ma tiêu cực thực tế vẫn đang rình rập bất chấp việc các nhà quản lý đang vận dụng nhiều phương cách để bảo vệ cuộc chơi. Và không quá khi nói rằng, nỗi ám ảnh lớn nhất, đe dọa sự phát triển của bóng đá khu vực Đông Nam Á chính là nạn dàn xếp tỷ số trận đấu.