Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Chọn ao hay chọn biển?

Ban Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ASIAD, lãnh đạo ngành thể thao tuyên bố sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc về chiến lược đầu tư.

Nói như vậy là bởi, tại ASIAD vừa qua, dù giành được 4 tấm HCV nhưng vẫn còn rất nhiều điều để bàn về cách xây dựng lực lượng, phát triển chiều sâu của thể thao Việt Nam.

Tại ASIAD 2018, có hai vận động viên gây thất vọng lớn nhất là Nguyễn Thị Ánh Viên và Hoàng Xuân Vinh. Ánh Viên là niềm tự hào của bơi lội Việt Nam tại đấu trường SEA Games trong khi Hoàng Xuân Vinh là người lần đầu tiên giúp thể thao Việt Nam có vàng Thế vận hội. Không ai khác, Ánh Viên và Xuân Vinh là những người được đầu tư lớn nhất thời gian vừa qua. Cả chục tỷ đồng đã được chi cho những chuyến tập huấn dài ngày của nữ kình ngư số một Việt Nam tại Mỹ. Thậm chí, nhiều người còn quả quyết rằng, không ai khác, chính Ánh Viên mới là người đưa bơi lội Việt Nam đến gần hơn với thành tích có huy chương tại ASIAD. Trong khi đó, Hoàng Xuân Vinh luôn được tạo điều kiện tập luyện và tập huấn trong điều kiện tốt nhất có thể.

Rút cuộc, Ánh Viên không lọt vào vòng chung kết. Thành tích của nữ kình ngư này còn có sa sút thảm hại so với lúc tập luyện hay thi đấu ở trong nước. Hoàng Xuân Vinh cũng để lại nỗi thất vọng lớn khi có những loạt bắn thất bại, không lọt vào nhóm có thể tranh chấp huy chương.

Sau ASIAD, có lãnh đạo ngành thể thao thừa nhận rằng, Ánh Viên không được dành cho ASIAD. Sân chơi chính của kình ngư này là SEA Games. Tại đấu trường khu vực, cô vẫn là số một và có thể mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam. Nhưng, vấn đề đặt ra là liệu chúng ta đã tính toán đúng chưa khi đầu tư trọng điểm cho một vận động viên chỉ có khả năng tranh chấp huy chương ở SEA Games. Quan trọng hơn, điều mà các nhà chuyên môn không thể giải thích được là tại sao được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng và huấn luyện bởi các chuyên gia nước ngoài nhưng thành tích của Ánh Viên ngày càng đi xuống?

Tới đây, người ta mới chợt giật mình khi nghĩ đến cảnh Ánh Viên thống trị hầu hết các nội dung bơi lội ở đấu trường trong nước và khu vực. Một mình vận động viên này đăng ký nhiều nội dung và liên tục giành vàng. Thế nhưng, các nhà chuyên môn đều hiểu rằng, một vận động viên không thể thành danh ở nhiều nội dung mà cần phải có một hoặc vài nội dung sở trường mà thôi. Trong khi đó, Ánh Viên vẫn được tận dụng để giành tối đa huy chương trên các đường đua mà bản thân cô không có đối thủ và cũng chẳng cho thấy sự tiến bộ về chuyên môn.

Vậy mới nói, các nhà quản lý của thể thao Việt Nam cần phải lựa chọn giữa số lượng và chất lượng. Chúng ta nên định hướng bước ra châu lục, thậm chí là thế giới hay cảm thấy hạnh phúc về số lượng huy chương vàng tại SEA Games? Lựa chọn thế nào sẽ quyết định việc đầu tư cho những môn thể thao trọng điểm và vận động viên trọng điểm trong thời gian tới.