Nhưng, nếu nhìn ở góc độ kinh tế, thầy trò ông Thắng đang thực hiện nhiệm vụ kiếm tiền đi chi dùng cho các hoạt động của mình.
Với các nền bóng đá phát triển, đội tuyển chính là con gà đẻ trứng vàng. Bên cạnh nguồn thu từ quảng cáo, bản quyền truyền hình thì việc tổ chức các trận đấu cũng mang đến ngân quỹ đáng kể. Ở Việt Nam trong nhiều thời điểm, các trận đấu của đội tuyển quốc gia cũng mang đến khoản tiền lớn từ bán vé. Nhưng, đó là câu chuyện từ lâu lắm rồi. Còn hiện tại, những trận đấu giao hữu luôn mang đến gánh nặng về tài chính. VFF phải chi tiền mời đội khách, tổ chức trận đấu trong khi khoản thu về bán vé không được bao nhiêu. Mới đây, trận đấu giữa Việt Nam và Indonesia dù có chất lượng chuyên môn cao nhưng cũng chỉ thu hút được hơn 1 vạn khán giả. Điều đó có nghĩa VFF sẽ lỗ hàng trăm triệu đồng cho công tác tổ chức. Thế nhưng, nỗi lo về tài chính sẽ tan biến khi đội tuyển Việt Nam đến thi đấu ở Cần Thơ. Đến nay, hàng vạn tấm vé đã được bán. Có thể, trận đấu với Avispa Fukuoka sẽ thu hút được 5 vạn khán giả và VFF sẽ có nguồn thu lên đến 3,5 tỷ đồng. Trừ chi phí tổ chức trận đấu, có thể VFF sẽ lời được một khoản tiền đáng kể trong bối cảnh rất cần kinh phí để lo cho AFF Cup cũng như VCK U20 thế giới vào năm tới.
Bóng đá ngày càng cần nhiều tiền hơn. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ ngân sách chỉ đáp ứng được một số hoạt động của đội tuyển quốc gia trong khi VFF có hàng tá sự kiện cần phải chi. Nói đâu xa, để chuẩn bị cho VCK U20 thế giới sắp tới VFF sẽ phải chuẩn bị khoản kinh phí hơn 4 tỷ đồng vốn không nằm trong dự toán ngân sách. Rồi chưa kể đến việc, hàng loạt đội tuyển giành thành tích cao khiến VFF phải chi thêm tiền thưởng trong khi ngân quỹ của tổ chức này không thật sự dồi dào.
Chính vì rất nhiều mối toan lo về tài chính mà từ thời điểm này, VFF sẽ phải quan tâm đến việc làm kinh tế. Các sự kiện của đội tuyển phải hướng đến lợi nhuận hoặc chí ít sẽ không lỗ.