Theo dòng thể thao: Những thần đồng mất tích

Bạch Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam là một trong số những nước có hệ thống các giải trẻ đồng bộ và phát triển.

Từ sân chơi U11, U13, U15 và cuối cùng là U21 được tổ chức nhằm giúp các cầu thủ trẻ có cơ hội đơm hoa kết trái. Thông qua những sân chơi này, nhiều sao mai hứa hẹn thành ngôi sao trên cầu trường đã ló rạng. Những Văn Quyến, Thanh Bình, Công Vinh, Công Phượng, Văn Toàn... đã tiến những bước dài trong sự nghiệp sau khi thi đấu thành công ở sân chơi trẻ. Nhưng cũng có không ít những cái tên đã gần như mất hút sau lần tỏa sáng hiếm hoi, như trường hợp của Thế Vọng, Ma Văn Sơn, Đậu Khắc Điệp...

Nhiều người nói rằng, việc các thần đồng “mất tích” có phần do họ không được các đội bóng tuyển chọn và đào tạo. Nhưng, còn một lý do khác là những thần đồng đó đã được làm lại lý lịch để trở thành ngôi sao của các đàn em kém mình vài ba tuổi! Thế mới có chuyện, sau chiến dịch chống gian lận tuổi năm 2005, VFF đã dành cơ hội cho ban lãnh đạo SLNA được sửa lại tuổi cho các cầu thủ nếu không sẽ đối diện với án kỷ luật. Và sau đó, một loạt cầu thủ SLNA đã được trả lại tuổi thật của mình.

Trong sân chơi trẻ, hơn nhau vài tháng đã khác biệt chứ nói gì đến vài ba tuổi. Thế mới có chuyện, hàng loạt cầu thủ trẻ đã vô địch hết giải này đến giải khác nhưng khi bước vào sân chơi V-League lại không thể hiện được gì. Giới chuyên môn cho rằng, tinh hoa của các cầu thủ này đã được thể hiện ở sân chơi trẻ chứ không phải là đấu trường V-League. Có những cầu thủ mới 25 - 26 tuổi đã có biểu hiện như “lão tướng”!? Đặc biệt, có nhiều cầu thủ mới 24 - 25 tuổi đã chọn phương án giã từ sự nghiệp sân cỏ vì... mệt.

Nhiều người nói rằng, chống lại nạn gian lận tuổi khó như cuộc chiến chống tiêu cực trong nền bóng đá. Khi mà có quá nhiều lý do để gian lận, có quá nhiều đội bóng gian lận thì đòi hỏi vào sự trung thực dù là ở sân chơi trẻ là điều rất khó khăn. Nhưng nếu muốn có một đội bóng tốt, các cầu thủ phát triển đúng lộ trình thì các đội bóng buộc phải làm thật.