Thi công đường ngoại thành: Quản lý lơi là, nhà thầu cẩu thả

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, xuất hiện hàng loạt công trình xây dựng, duy tu, sửa chữa đường bộ tại khu vực nông thôn, ngoại thành thi công cẩu thả, không bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), vệ sinh môi trường, làm khổ người dân. Câu hỏi đặt ra là công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu các công trình này thực hiện đúng quy định có được thực hiện nghiêm túc?

Xe cộ, vật liệu, phế liệu ngổn ngang tại dự án cầu đập tràn qua hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Ngọc Hải
Công trường bừa bãi, gia tăng nguy cơ mất ATGT
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, kéo gần khoảng cách nông thôn với thành thị, Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có nhiều nghị quyết, chương trình hành động thiết thực. Trong đó, đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông tại các vùng ngoại thành được coi là khâu đột phá quan trọng. Sự quan tâm của chính quyền TP khiến Nhân dân các vùng ngoại thành rất phấn khởi.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án giao thông ngoại thành thời gian qua lại bộc lộ nhiều bất cập, gây ra những hệ luỵ và bức xúc cho người dân. Điển hình là việc thi công một số dự án tỉnh lộ do UBND các huyện làm chủ đầu tư. Tại công trường nhiều dự án tỉnh lộ, nhà thầu “tự tung, tự tác”, thi công cẩu thả, gây mất trật tự, ATGT, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong khi Chủ đầu tư và các đơn vị giám sát lại lơ là thấy rõ.

Ví dụ như Dự án Cầu đập tràn, xã Quan Sơn, huyện Mỹ Đức có tổng mức đầu tư tới hơn 288 tỷ đồng - là dự án không nhỏ, nhưng công tác đảm bảo ATGT lại chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể, dự án đang gây nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông do không làm đường tránh, chỉ còn một chiều lưu thông, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng do hai hàng xe ngược chiều phải chờ nhau để qua từng chiếc một.

Bên cạnh đó, công tác thi công của Liên danh nhà thầu Công ty CP Xây dựng Đồng Tiến - Công ty TNHH Xây dựng thương mại Sơn Trang còn rất cẩu thả, vật liệu xây dựng vương vãi khắp nơi, lộn xộn bất chấp gây cản trở giao thông, nguy hiểm cho người đi đường. Đơn vị thi công cũng không bố trí người hướng dẫn phân luồng giao thông, không có đầy đủ hàng rào, cọc tiêu, biển cảnh báo… như quy định. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối đường Hồ Chí Minh, qua Tỉnh lộ 424, qua Quốc lộ 21B vào trung tâm TP Hà Nội. Do vậy, lưu lượng các phương tiện đi qua đây là rất lớn. Việc lơ là công tác đảm bảo ATGT trong quá trình thi công dự án đang khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Vì sao không xử lý?

Một công trình khác tương tự là Dự án cải tạo nâng cấp Tỉnh lộ 412, đoạn qua thị trấn Tây Đằng đi hồ Suối Hai, huyện Ba Vì do Ban QLDA huyện làm đại diện chủ đầu tư, Công ty CP Quảng Tây nhận thầu thi công.

Ngay sát tường rào UBND thị trấn Tây Đằng, một “dãy núi” đá dăm cao hàng chục mét, lấp kín đến ngọn hàng cột điện ven đường, không được che chắn, đe doạ đổ sụp vào người tham gia giao thông bên dưới bất cứ khi nào. Cả hai bên tuyến đường dự án hầu như không có nổi một cây cọc tre, chăng dây phản quang để phân cách người tham gia giao thông với hầm hố, cống rãnh đang thi công. Nhiều đoạn còn có cả đất lẫn gạch vụn, rác rưởi chất đống tại các vị trí san nền đường.

Điều đáng nói, công trình nằm ngay chính diện cổng ra vào UBND thị trấn Tây Đằng, vì sao cả núi vật liệu nguy hiểm như vậy, thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn như vậy mà không bị cơ quan chức năng xử lý. Nhiều người dân trong khu vực bức xúc cho biết, bụi băm, bùn đất trên tuyến đường như bao phủ cả bầy không khí, bẩn thỉu, bức bối vô cùng.

Còn một số công trình hạ tầng giao thông khu vực ngoại thành khác cũng có những bất cập, tồn tại tương tự, gây ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại cũng như đời sống của người dân khu vực ngoại thành. Phải chăng việc quản lý, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án đường giao thông ngoại thành đang bị bỏ ngỏ? So với khu vực nội thành, đô thị trung tâm, các biện pháp tối thiểu như rào chắn, cảnh báo để người dân lưu thông an toàn qua khu vực các dự án tại ngoại thành rõ ràng sơ sài và cẩu thả hơn hẳn.

Nhiều ý kiến của người dân tha thiết đề nghị UBND TP Hà Nội đôn đốc các địa phương, chấn chỉnh kịp thời tình trạng này, có biện pháp xử phạt nghiêm, giám sát chặt chẽ với các nhà thầu để chấm dứt hiện tượng thi công ẩu, tuỳ tiện nêu trên.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục tin đến bạn đọc về vấn đề này.
Một chuyên gia cho rằng: TP Hà Nội cần có biện pháp cứng rắn, thậm chí cấm cửa các nhà thầu thi công cẩu thả, tránh để hình thành một “nếp xấu” đối với các dự án giao thông khu vực ngoại thành.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần