Thi công tu bổ di tích thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư
Kinhtedothi – Bộ VHTT&DL đã ban hành Thông tư số 06/2025/TT-BVHTTDL Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Thông tư số 06/2025/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15 ngày 23/11/2024, bao gồm: quy định chi tiết khoản 1 Điều 35 về định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; quy định chi tiết điểm đ khoản 2 Điều 35 về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Di tích đình Đăm, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993. Ảnh: Trần Thảo
Về nguyên tắc trong hoạt động thi công tu bổ di tích, Thông tư 06/2025/TT-BVHTTDL nêu rõ: tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hoặc thiết kế bản vẽ thi công bảo quản di tích đã được phê duyệt, quy định về quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng thi công an ninh, an toàn lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, áp dụng quy trình kỹ thuật thi công truyền thống; giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích.
Hoạt động thi công tu bổ di tích được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích; thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng cư dân nơi có di tích.
Trường hợp điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích, chủ đầu tư báo cáo nghiên cứu khả thi tu bổ di tích phải xem xét điều chỉnh thời gian thi công tu bổ di tích để đảm bảo chất lượng công trình.
Thông tư 06/2025/TT-BVHTTDL cũng quy định về việc chuẩn bị và thực hiện thi công tu bổ di tích. Chủ đầu tư dự án tu bổ di tích thành lập Hội đồng đánh giá di tích và ban hành quy chế làm việc của Hội đồng; Hội đồng đánh giá di tích có nhiệm vụ kiểm tra kết quả công việc.
Chủ đầu tư dự án tu bổ di tích phối hợp với Sở VHTT&DL, Sở VH&TT thực hiện việc phân loại, lựa chọn cấu kiện, thành phần kiến trúc có giá trị nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng không được sử dụng lại để bảo quản, trưng bày tại di tích hoặc tại bảo tàng công lập nơi có di tích.
Đồng thời, chủ đầu tư dự án tu bổ di tích phối hợp với tổ chức thi công tu bổ di tích và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức nghiệm thu, bàn giao, đưa di tích vào sử dụng và thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Việc hạ giải di tích chỉ được tiến hành khi hiện vật nội thất đã được di dời hoặc bao che tại chỗ bảo đảm an ninh, an toàn. Trước khi hạ giải di tích, các cấu kiện, thành phần kiến trúc phải được chụp ảnh, ghi hình, đánh dấu theo hệ thống ký hiệu đã lập trên bản vẽ; có phương án hạ giải và vị trí tập kết trong nhà bảo quản cấu kiện.
Trong khi hạ giải di tích, các cấu kiện, thành phần kiến trúc phải được bảo vệ an toàn, gia cố tạm thời đối với vị trí có nguy cơ bị phá hủy và xác định phương án vận chuyển thích hợp.
Sau khi hạ giải di tích, các cấu kiện, thành phần kiến trúc phải được làm sạch sơ bộ và phân loại, sắp xếp trong nhà bảo quản cấu kiện. Quá trình hạ giải di tích phải được lập thành hồ sơ (bản viết, bản ảnh, ghi hình).
Thông tư 06/2025/TT-BVHTTDL cũng quy định định mức Kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích. Định mức kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích quy định tại Thông tư này được áp dụng để lập đơn giá xây dựng, làm cơ sở lập dự toán và thanh toán các khối lượng của công tác tu bổ các cấu kiện, thành phần kiến trúc và hiện vật của di tích đã được xếp hạng, di tích trong danh mục kiểm kê di tích.

Công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai
Kinhtedothi – Bộ VHTT&DL vừa có Công văn số 1218/BVHTTDL-DSVH về việc tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Công bố quy hoạch tu bổ di tích quốc gia đặc biệt ở Hải Phòng
Kinhtedothi - Ngày 27/3, UBND huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng tổ chức hội nghị công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Quận Thanh Xuân: ngày 21, 22/5, cưỡng chế thực hiện dự án tu bổ di tích gò Đống Thây
Kinhtedothi - Ngày 6/5, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân thông tin, trong 2 ngày (21 và 22/5 tới), UBND quận tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với trường hợp không chấp hành bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung).