Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thí điểm gắn biển chỉ dẫn thông tin tên đường phố: Thiết thực, nhưng vẫn nhiều băn khoăn

KTĐT - Sau nhiều bàn luận và chuẩn bị, 30 tuyến phố tại một số quận đã được thí điểm gắn biển có chỉ dẫn thông tin.

"Rằng hay thì thật là hay" bởi ấy là một cách khơi gợi, tuyên truyền lịch sử văn hóa dân tộc đến người dân, nhưng rõ ràng ở đó vẫn còn những điều cần chỉnh sửa.

Dạy Sử trên đường

Có mặt trên đường phố gần một tháng nay, những tấm biển ghi tên đường phố kèm theo thông tin về danh nhân của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình như Lê Lai, Lê Thái Tổ, Trần Nguyễn Hãn, Quang Trung, Phan Bội Châu, Điện Biên Phủ, Hùng Vương… đầy "bắt mắt" và "bắt" cả sự quan tâm của người dân qua phố. Từ người già cho đến học sinh, sinh viên, đều dừng chân ghé đến đọc những dòng chữ khá to và rõ ràng được ghi trên tấm biển được thiết kế hai mặt, đặt ở những vị trí khá thuận lợi cho người quan sát. Lắm người, khi đọc xong, còn quay sang cười, trao đổi với nhau về một cách "dạy Sử trên đường" khá súc tích và lý thú này.

"Mục sở thị" sẽ hiểu gọi đó là cách "dạy Sử trên đường" quả không sai. Bởi ít nhất những tấm biển kia cũng đã cho người ta những thông tin "trung tâm" nhất về vị danh nhân được ghi danh trên tên của con phố: Quang Trung (1753 - 1792) tức Nguyễn Huệ. Anh hùng dân tộc, lãnh tụ phong trào Tây Sơn, đại phá hơn 20 vạn quân Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long 1789; rồi Lê Lai (năm mất 1419). Danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đã hy sinh để cứu chủ tướng Lê Lợi… Hay Trần Nguyên Hãn - danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, lập nhiều công lớn, được phong Tả tướng quốc… Vậy là, ít nhất, những tấm biển kia cũng giúp nhiều người khắc phục được sự buồn lòng bấy lâu khi sống trên phố mang tên danh nhân mà không biết người được đặt tên là ai, công trạng...

Biển chỉ dẫn thông tin phố Lê Lai. Ảnh: Thái Anh

Cái hay rõ như ban ngày khi người dân tỏ ra đồng tình với những tấm biển này. Như anh Nguyễn Xuân Hòa (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chia sẻ: "Gia đình tôi ở trên Vĩnh Phúc nhưng năm nào tôi cũng xuống Hà Nội chúc Tết họ hàng. Trở lại Hà Nội lần này tôi rất ấn tượng với việc gắn biển có chỉ dẫn thông tin về danh nhân của Thủ đô. Với cách làm mới này gia đình tôi có dịp hiểu thêm về các danh nhân, các anh hùng dân tộc". Người ta cũng không ngại ngần bày tỏ sự ủng hộ cho cách “dạy Sử trên đường” - một cách làm mới của nhà quản lý thành phố: "Lớp trẻ bây giờ không dành nhiều thời gian để tìm hiểu về các danh nhân lịch sử. Việc gắn chú thích, chỉ dẫn thông tin về danh nhân ngay trên biển đường sẽ giúp dân ta hiểu thêm về lịch sử nước nhà, qua đó giáo dục lớp trẻ noi gương và tiếp bước truyền thống hào hùng của ông cha" - ông Trần Hùng, quận Hoàn Kiếm chia sẻ.

Nhìn và ngẫm...

Nhìn những tấm biển tinh khôi trên các tuyến phố, hẳn nhiều người sẽ chung cảm giác về sự hợp lý và cần thiết đối với mảnh đất được mệnh danh là ngàn năm văn hiến Thăng Long. Những thông tin ghi trên biển là cần thiết, là thú vị nhưng cũng còn bao điều cần nghĩ tới. Các nhà nghiên cứu lịch sử, các thầy dạy Sử đặt ra câu hỏi "Liệu những dòng ghi trên ấy có "tiết kiệm" quá không?" khi mà đã có trường hợp hiểu nhầm rằng Trần Hưng Đạo là danh nhân họ Trần, đệm Hưng, tên Đạo. Hay dưới góc độ của một hướng dẫn viên du lịch - anh Trần Quốc Tuấn nói: "Với những du khách nước ngoài không biết tiếng Việt, không có hướng dẫn viên du lịch đi cùng, họ sẽ không thể hiểu những dòng chỉ dẫn phía dưới tên đường là gì".  Nhưng kỳ thực nếu đáp ứng được mong muốn "nên có thêm câu nói bất hủ của danh nhân" của họ, hay một bản dịch tiếng Anh đi kèm thì xem ra có "quá sức" một tấm biển, liệu tấm biển có còn là một tấm biển ghi tên đường phố?

Lại cũng phải bàn đến cả dòng chữ trên tấm biển ghi tên đường Điện Biên Phủ: "Tên một địa danh thuộc tỉnh Lai Châu". Đây là một sơ suất đáng trách của những người "trong cuộc", bởi từ năm 2004, tỉnh Lai Châu đã được tách thành 2 tỉnh là Điện Biên và Lai Châu, và địa danh Điện Biên Phủ đã thuộc về tỉnh Điện Biên. Sẽ còn nhiều tấm biển nữa ra đời nếu những tấm biển đường phố mới được hiện thức hóa trên toàn thành phố, và hẳn đây sẽ là một "điểm" mà người thực hiện cần nhìn để sửa và rút kinh nghiệm.

Bên cạnh những con phố mang tên danh nhân, Hà Nội cũng còn không ít những phố mang tên "Hàng" cổ kính. Chợt nghĩ, nếu giữ nguyên những tấm biển phố "hàng" kia thì có tạo ra sự thiếu đồng nhất về kích cỡ biển, kích cỡ chữ giữa các biển tên đường trong thành phố? Và nếu thay cho đồng nhất thì "nhà” cho những phố tên "hàng" có rộng rãi đến thừa thãi và lãng phí? Lại nghĩ tới cả vấn đề an toàn giao thông cho người đi đường khi ai nấy cứ "nghển cổ" dõi theo những dòng chữ trên biển?

Thêm những dòng thông tin về danh nhân trên biển ghi tên đường phố là một việc lẽ ra nên làm từ trước khi Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Nhưng muộn còn hơn không! Cái hay, cái được của những tấm biển ấy đã được ghi nhận một cách chân thành cùng với những điều cần chỉnh sửa! Tất cả vẫn ở giai đoạn thí điểm, và người thực hiện vẫn còn thời gian để tham khảo, ngẫm nghĩ và sửa sai.

Việc thí điểm xây dựng bảng chỉ dẫn tên đường xuất phát từ thiện ý, muốn giải thích tên phố, quảng bá lịch sử đang trong tình trạng nguy khốn. Tuy nhiên, bản tên đường có những yêu cầu riêng về kích cơ, màu chữ, cỡ chữ để người muốn tìm địa chỉ dễ dàng tìm ra. Việc đưa bảng tên đường và nội dung chỉ dẫn vào cùng một bảng khiến người tìm đường gặp rất nhiều khó khăn không biết đọc cái nào trước cái nào sau. Bên cạnh đó, người viết bản tên đường phải có khả năng văn bản học, phải biết cách biểu đạt nội dung sử học và đặc biệt, phải am hiểu lịch sử để không viết ra những câu chú thích ngô nghê, thừa thiếu thông tin về những nét chính.

Giáo sư Lê Văn Lan

 

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Va chạm xe Lexus, tài xế xe Mazda húc thẳng vào nhà dân

Va chạm xe Lexus, tài xế xe Mazda húc thẳng vào nhà dân

19 May, 04:12 PM

Kinhtedothi - Một chiếc ô tô Mazda BKS 30G - 046.xx do nam tài xế điều khiển, đã xảy ra va chạm với ô tô Lexus BKS 24A - 319.xx đang dừng ven đường tại ngã 6 TP Lào Cai. Sau va chạm, tài xế Mazda tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy về phía đường Yết Kiêu, phường Kim Tân và lao vào một nhà dân ven đường, gây thiệt hại về tài sản.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ