Thí điểm "hộ chiếu vaccine": Cơ hội phục hồi cho du lịch Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc áp dụng “hộ chiếu vaccine" sẽ tạo cơ hội cho ngành du lịch đón khách quốc tế, khai thác thị trường nội địa sau thời gian đóng băng vì dịch Covid-19. Nhưng để làm được điều này, ngành du lịch cần đẩy nhanh tiến độ thí điểm thực hiện ở một số điểm, từ đó lập "hành lang xanh" đón khách an toàn...

Nhiều nước triển khai “hộ chiếu vaccine"
Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhằm cứu ngành du lịch và hàng không, một số nước có ý tưởng cho phép những người đã tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid-19 được tự do đi lại. Việc này đồng nghĩa, "hộ chiếu vaccine" sẽ là giấy thông hành đặc biệt cho phép người đã tiêm phòng được tới các quốc gia tham quan, du lịch…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, hiện một số nước châu Âu như Hy Lạp, Đan Mạch, Pháp… đã triển khai “hộ chiếu vaccine". Từ đầu tháng 6/2021, Đức, Bulgaria, Czech, Croatia và Ba Lan đã triển khai "hộ chiếu vaccine", sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch chung của Liên minh châu Âu (EU) là từ ngày 1/7. Đây là hành động để chuẩn bị cho mùa du lịch hè trở lại sau thời gian người dân bị hạn chế đi lại quá lâu.
 Khách du lịch thăm quan Hội An trong kỳ nghỉ 30/4/2021

Thực tế cho thấy, không chỉ các nước châu Âu mới áp dụng mô hình “hộ chiếu vaccine" mà một số nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang bắt đầu tiến hành thử nghiệm hình thức này. 
Nói về tác dụng thu hút du khách thông qua “hộ chiếu vaccine", Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Trần Trọng Kiên cho rằng, du lịch Việt Nam nên học tập kinh nghiệm nước ngoài, qua đó thí điểm đón khách bằng "hộ chiếu vaccine". “Chẳng hạn, Singapore chấp nhận giấy thông hành điện tử của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), gồm chứng nhận xét nghiệm và tiêm phòng Covid-19. Những người có đủ giấy chứng nhận này không phải cách ly 14 ngày, chỉ phải tự cách ly 1-2 ngày đầu và làm test nhanh với virus SARS-CoV-2. Nếu kết quả âm tính, khách vẫn du lịch bình thường, đây là kinh nghiệm mà ngành du lịch Việt Nam nên học tập”- ông Kiên chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến này, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính nêu rõ: “Tại Việt Nam, nếu thí điểm thành công và an toàn việc cấp “hộ chiếu vaccine" sẽ tạo cơ hội để du lịch Việt đón khách trở lại, cũng như giúp ngành du lịch phục hồi sau khủng hoảng nặng nề do dịch Covid-19”.
 Khách du lịch thăm quan Tuần Châu (Quảng Ninh) trong kỳ nghỉ 30/4/2021

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, nếu Việt Nam sớm chuẩn bị, đề ra các giải pháp kỹ thuật và sẵn sàng ban hành cơ chế, chính sách hợp lý trong bối cảnh này thì sẽ tạo ra thế mạnh cho du lịch, qua đó thu hút và đáp ứng nhu cầu đi du lịch của rất nhiều du khách trên thế giới. Ngoài ra, “hộ chiếu vaccine" cũng góp phần khôi phục các hoạt động vận chuyển hàng không, mặt đất và dịch vụ bổ trợ khác… góp phần hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Thử nghiệm với thị trường nội địa
Mặc dù “hộ chiếu vaccine" có thể giúp ngành du lịch hồi phục, tuy nhiên đây là vấn đề mới cần sự thận trọng nhất định. Do đó, DN du lịch đề xuất thử nghiệm mô hình này tại thị trường nội địa để hoàn thiện quy trình, rút kinh nghiệm, từ đó điều chỉnh phù hợp trước khi áp dụng vào việc đón khách quốc tế.
Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt Trần Văn Long cho rằng, mô hình “hộ chiếu vaccine" đã được một số nước áp dụng và cũng tương đối thành công mà Việt Nam nên học tập. Trước tiên nên triển khai ở thị trường nội địa để thăm dò và thử nghiệm. Chẳng hạn, cơ quan quản lý có thể tạo một website hoặc app để cập nhật những người đã tiêm vaccine và kiểm tra trên những ứng dụng này. Giám đốc Công ty Travelogy Vũ Văn Tuyên đề xuất, trước mắt nước ta có thể áp dụng “hộ chiếu vaccine" thông qua mô hình du lịch ít tiếp xúc, với các sản phẩm như golf, nghỉ dưỡng do loại hình du lịch này có tính chất ít di chuyển, địa điểm thoáng, ít tiếp xúc nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm ít hơn.
 Khách du lịch thăm quan Văn Miếu 

Tương tự, Viện trưởng Viện nghiên cứu tư nhân về du lịch xã hội Nguyễn Trần Hoàng Phương thông tin, kết quả khảo sát ý kiến từ các DN du lịch cho thấy, họ hoàn toàn ủng hộ việc thử nghiệm “hộ chiếu vaccine” trước ở thị trường nội địa sau khi Việt Nam đạt được tỷ lệ tiêm chủng cho khoảng 50-70% dân số.
“Theo tôi, sớm hay muộn thì “hộ chiếu vaccine” cũng sẽ được áp dụng tại Việt Nam, dù nó có thể có những tên gọi khác nhau như “giấy chứng nhận tiêm ngừa” hay “hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, cần có chính sách cụ thể của cơ quan nhà nước. Nếu chúng ta áp dụng việc phòng chống Covid-19 một cách quá cực đoan, cứng nhắc sẽ khiến ngành du lịch khó có thể hồi phục trong năm 2021”, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương nói.

Cùng với lữ hành, ngành khách sạn cũng đang phải trải qua giai đoạn “đen tối” trong lịch sử do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì vậy việc cấp "hộ chiếu vaccine" sẽ giúp ngành này hồi phục. Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đỗ Hồng Xoan hy vọng, “hộ chiếu vaccine" sẽ là chìa khóa đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, giúp những địa điểm du lịch hay các hoạt động cộng đồng trở nên an toàn hơn.
 Khách du lịch tham quan Hội An trong kỳ nghỉ 30/4/2021

Các DN du lịch cũng đề xuất, bên cạnh việc thử nghiệm “hộ chiếu vaccine" tại thị trường nội địa, địa phương cũng cần xây dựng quy trình xử lý khủng hoảng một cách linh hoạt khi có ca bệnh xảy ra. Có như vậy là bởi thời gian qua, một số địa phương khi phát hiện có ca mắc Covid-19 đã lập tức phong tỏa một cách cực đoan, gây khó khăn cho DN lữ hành, hướng dẫn viên đang dẫn đoàn và gây hoang mang cho khách đang đi tour tại địa phương đó.
Ý kiến của các chuyên gia, DN du lịch cho thấy, việc triển khai “hộ chiếu vaccine" cho những người đã tiêm phòng Covid-19 đi du lịch nội địa được coi là một trong những biện pháp giúp mở cửa ngành công nghiệp không khói trong bối cảnh Covid-19.
Theo tôi, việc áp dụng mô hình "hộ chiếu vaccine" để đón du khách trong nước và quốc tế là phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, việc tiêm đủ vaccine chưa thể đảm bảo là không lây nhiễm dịch ra cộng đồng, vì vậy ngành du lịch cần xây dựng hệ thống dịch vụ phục vụ an toàn gồm những điểm, vùng du lịch, khách sạn… được cơ quan y tế, du lịch kiểm định và công nhận đủ điều kiện đón khách. Cho đến khi đại dịch lui hẳn hoặc Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, du khách nhập cảnh chỉ được đi du lịch trong khu vực này, để rủi ro được giảm đến mức tối thiểu.
Chủ tịch Vietravel Holdings Nguyễn Quốc Kỳ
Hiện chưa có quốc gia nào mở cửa đủ dài để có dữ liệu đánh giá đầy đủ về tác dụng của vaccine hay thời gian cách ly bao nhiêu là phù hợp. Vì vậy, Việt Nam cần phải thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm, xây dựng quy định phù hợp. Sau này, khi đón khách chính thức, cùng với dữ liệu của các nước khác, điểm đến sẽ có dữ liệu chính xác để phân tích nhằm đưa ra các đối sách thích hợp thực tế. Hiện tất cả những người làm du lịch đang kỳ vọng vào mùa du lịch hè 2021, chỉ cần một sự cố nhỏ trong quá trình đón khách sẽ phá hủy mùa du lịch quan trọng này. Vì vậy, trong giai đoạn này, chỉ nên đón khách thí điểm ở quy mô hẹp và địa điểm phù hợp, chẳng hạn  vùng Nam Hội An, đón khách qua sân bay Chu Lai.
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Trần Trọng Kiên