Monday, 08:23 05/11/2018
Thí điểm thực hiện chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo quản lý: Cần cơ chế vận hành phù hợp
Kinhtedothi - Sau khi tiếp thu những ý kiến của Bộ Chính trị về dự thảo “Đề án thí điểm thực hiện chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo quản lý” Bộ Nội vụ đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án để sớm trình lại Chính phủ trong thời gian tới.
Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính trao Giấy chứng nhận cho các học viên lớp Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng (Khóa XII). Ảnh: Hoàng Mẫn. |
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đánh giá Đề án có ý nghĩa rất tích cực trong xu hướng đào tạo cán bộ trẻ hiện nay, song cơ chế vận hành chế độ tập sự này thế nào cần được lắng nghe kỹ lưỡng ý kiến từ nhiều phía để phù hợp thực tiễn.
Cơ chế để được “quyết”Ông nhận định Đề án này có ý nghĩa thế nào trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ hiện nay, liệu sẽ phát huy được hiệu quả thực tế ra sao?- Theo tôi biết, ý tưởng của Đề án đã có khá lâu, và mục tiêu của chế độ tập sự lãnh đạo quản lý đã được nêu rõ trong Luật Cán bộ công chức. Song, nếu trước kia áp dụng cho cấp phó ở nhiều vị trí thấp hơn, tới đây áp dụng đến vị trí thứ trưởng. Tôi rất ủng hộ đề án này, vì cùng với luân chuyển, giao nhiệm vụ…, tập sự là một cách đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức (CBCC) rất tốt, đặc biệt cần thiết với lực lượng cán bộ trẻ để có đội ngũ kế cận phù hợp. Qua một vài năm tập sự, nhận thấy cán bộ khẳng định được năng lực bản thân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì đơn vị có thể bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo đó ngay, như vậy sẽ nhanh hơn việc cứ tuần tự từng bước mới bổ nhiệm.Tuy nhiên, vấn đề khiến tôi băn khoăn nhất, cần giải quyết thấu đáo là cơ chế cho tập sự nên thế nào để việc đào tạo bồi dưỡng này phát huy hiệu quả cao. Bởi, đã là tập sự thì về pháp lý phải đầy đủ quy trình, đưa cán bộ vào đúng vị trí với đủ quyền hạn và trách nhiệm thực hiện công vụ một cách chính thức. Đơn cử, nếu tập sự vị trí thứ trưởng thì cán bộ phải được quyết định một số công việc, có quyền giao nhiệm vụ cho các vị trí cấp dưới theo đúng lĩnh vực phụ trách nếu không có thể sẽ mất cán bộ. Nhưng vì vẫn là người tập sự nên đương nhiên có lúc làm đúng lúc làm sai - điều này cũng cần tính toán và nên được thông qua bởi một tập thể có trách nhiệm.Được biết, một định hướng quan trọng của Đề án là sẽ làm rõ việc đưa ra khỏi quy hoạch những người không đạt yêu cầu hoặc không hoàn thành chế độ tập sự. Ý kiến của ông thế nào?- Tôi thấy việc này rất cần thiết. Nếu sau quá trình tập sự không đạt yêu cầu của vị trí công việc đó thì cần đưa cán bộ ra khỏi quy hoạch và từ đó đương nhiên không thể bổ nhiệm. Quan trọng là kèm theo cơ chế để cá nhân được quyết định một số công việc thì phải quy định chặt chẽ. Để sau này nếu quyết định của họ để xảy ra hậu quả thì họ phải chịu trách nhiệm và cả người đào tạo bồi dưỡng, hướng dẫn họ cũng chịu trách nhiệm. Trước khi họ đưa ra một quyết định, đều cần có ý kiến của tập thể, giúp cá nhân trong quá trình tập sự nâng cao nhận thức, kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ, tránh đến lúc xảy ra sự cố thì khó xử lý. Đặc biệt, để thực hiện công việc theo đúng tư thế ở vị trí đó thì việc đưa ra quyết định cũng không thể là thí điểm mà phải là quyết định chính thức. Bởi lẽ, ký ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có tác động không chỉ đến một người, một tập thể nhỏ mà đến cả xã hội, mọi người đều phải theo. Do đó, cần có cách thức, cơ chế để đảm bảo sản phẩm của người tập sự phù hợp thực tế xã hội, và đánh giá được năng lực của họ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh |
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, đối tượng thực hiện thí điểm tập sự lãnh đạo, quản lý được thực hiện với các chức danh quản lý, lãnh đạo cấp phó: Thứ trưởng và tương đương; phó tổng cục trưởng; phó cục trưởng; phó vụ trưởng và tương đương; phó giám đốc sở và tương đương. Tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện tập sự gồm: Nam dưới 45 và nữ dưới 40 tuổi; thuộc diện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có 3 năm liên tiếp tính đến thời điểm xem xét thực hiện tập sự lãnh đạo quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; đơn vị có nhu cầu bổ sung chức danh lãnh đạo, quản lý; được người đứng đầu đề nghị, cấp ủy thống nhất thông qua. |