Thí điểm thực hiện chính quyền đô thị: Nhiều yếu tố phát sinh trong giai đoạn chuyển giao

Bài, ảnh: Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm này các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây đã cơ bản sẵn sàng mọi điều kiện về con người, cơ sở vật chất chuẩn bị cho việc vận hành thí điểm chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021… Tuy nhiên, để vận hành tốt mô hình này, còn một số băn khoăn, đề xuất từ cơ sở cần sớm được giải quyết.

Sẵn sàng các điều kiện cần thiết

Ghi nhận tại quận Hai Bà Trưng, quận đông dân vào loại nhất nhì của Hà Nội, để triển khai mô hình chính quyền đô thị, các điều kiện cần thiết đều đang được Đảng ủy, chính quyền, cán bộ công chức (CBCC) ở 18/18 phường chuẩn bị nghiêm túc, đúng tiến độ. Tại phường Quỳnh Mai, hiện việc chuẩn bị nhân sự chủ chốt (Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường), cán bộ chuyên môn đều đã sẵn sàng thực hiện việc lãnh đạo UBND phường ủy quyền cán bộ tư pháp ký hồ sơ chứng thực, bảo đảm đúng theo Nghị quyết 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội” và Nghị định 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 97/2019/QH14, Kế hoạch 100/KH-UBND ngày 12/4/2021 của TP về triển khai thực hiện Nghị định 32/2021/NĐ-CP. “UBND phường cũng đã ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác này, các bước theo kế hoạch đang được thực hiện đúng tiến độ, thời gian, quy trình” - Chủ tịch UBND phường Bùi Thanh Hải khẳng định.
 Công chức bộ phận Một cửa UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho công dân.
Tương tự tại phường Vĩnh Tuy công tác rà soát CBCC theo Nghị định 32 được triển khai từ rất sớm. Phường cũng đã thực hiện xong Đề án 21 của Thành ủy (chuẩn bị cho chính quyền đô thị), trong đó bố trí 3 chức danh cán bộ không chuyên trách ở tổ dân phố do 2 người đảm nhiệm (tổ trưởng dân phố kiêm Trưởng ban công tác mặt trận (CTMT); Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban CTMT; Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng dân phố). Đặc biệt, với công tác cán bộ ở UBND phường chuẩn bị cho chính quyền đô thị thực hiện Kế hoạch 100/KH-UBND của TP, liên quan bổ nhiệm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND phường đã hoàn thành, nộp đủ hồ sơ lên quận. Việc chuẩn bị để thực hiện lãnh đạo UBND phường ủy quyền cán bộ tư pháp được ký hồ sơ chứng thực cũng đã sẵn sàng… Ngoài ra, UBND phường đang thực hiện các quy trình thanh quyết toán để khóa sổ bảo đảm đúng tiến độ, chuyển giao chính quyền địa phương sang hoạt động theo chính quyền đô thị - cấp ngân sách tương đương một phòng ban của quận.

Tại quận Ba Đình, các phường cũng cơ bản đã xong các bước chuẩn bị, trong đó hoàn thiện toàn bộ công việc về ngân sách tài chính. Điển hình, UBND phường Đội Cấn đang xây dựng để ban hành quy chế làm việc của mô hình chính quyền mới, đến ngày 1/7 sẽ kịp tiến độ. Toàn bộ hoạt động về tài chính đã được tạm dừng để thanh quyết toán hết, qua ngày 1/7 tiếp tục báo cáo cấp quận để được hướng dẫn. “Không tránh khỏi tâm lý nghe ngóng trong thời điểm chuyển giao chính quyền, song thực tế các CBCC làm việc tại cấp phường và cán bộ hoạt động không chuyên trách ở dưới địa bàn dân cư vẫn đang hoạt động đều, chưa có gì biến động”- Chủ tịch UBND phường Ngô Thị Minh Hằng cho hay.

Mong sớm có cơ chế, quy định rõ ràng

Các bước chuẩn bị cơ bản sẵn sàng, song băn khoăn chủ yếu mà lãnh đạo các phường bày tỏ vào thời điểm này là việc triển khai công việc của chính quyền đang thực sự bỡ ngỡ trước mô hình mới, nên rất mong sớm có hướng dẫn để vận hành hiệu quả nhất.

Đặc biệt, bà Ngô Thị Minh Hằng cho hay, theo quy chế hoạt động mới mà UBND phường đang soạn thảo để chuẩn bị ban hành (trên cơ sở quy chế mẫu) tuy chi tiết mối quan hệ công tác của UBND phường đối với hoạt động của HĐND quận cũng như các cơ quan chuyên môn của quận cơ bản không thay đổi nhưng chưa rõ mối quan hệ giữa UBND phường với các tổ chức chính trị - xã hội ở phường cũng như với các tổ dân phố. Đáng chú ý, đối với quy định về UBND phường được định biên không quá 15 CBCC, bà Hằng cho biết phường vẫn chưa có đủ số CBCC theo định biên, bởi vừa qua thi tuyển công chức có một số người thi trượt. Vì vậy, UBND phường rất mong UBND quận đẩy sớm tổ chức thi tuyển công chức hoặc luân chuyển công chức từ phường khác.
"Thực tế khối lượng công việc rất lớn (số dân toàn phường gần 23.000 người), trong khi tính cả Trưởng công an phường thì UBND phường mới có 9 CBCC và 3 lãnh đạo (lãnh đạo thuộc công chức quận), còn thiếu tới 6 CBCC, nên mong sớm được quận tổ chức cho thi tuyển bổ sung, trên cơ sở chủ trương của TP”- bà Hằng bày tỏ.

Tình trạng tương tự, một địa bàn không chỉ lớn nhất quận Hai Bà Trưng mà có thể nói lớn nhất TP cả về diện tích và dân số, với hơn 5 vạn người có hộ khẩu cùng hơn 1 vạn người mới về địa bàn (chưa đăng ký mà cán bộ phường vẫn phải quản lý về an ninh trật tự), nhưng phường Vĩnh Tuy cũng như các phường khác chỉ được tính là phường loại 1, với định biên không được quá 15 công chức, nên rất khó khăn. Tất cả 7 lao động hợp đồng đang làm việc tại UBND phường từ 1/7/2021 sẽ phải nghỉ, vì phân bổ ngân sách theo chính quyền đô thị, chính quyền phường không còn bảo đảm trả lương được cho các cán bộ này.
"Thực tế, Vĩnh Tuy có số dân và khối lượng công việc lớn gấp 2 - 3 lần một phường bình thường (cùng phường loại 1), địa bàn lại có nhiều khu chung cư, khu dân cư tập trung nhiều lao động tự do, nên phát sinh nhiều vấn đề về an sinh xã hội hay trật tự đô thị, cán bộ phường thường xuyên phải giải quyết. Cùng đó, dù cơ sở hạ tầng đã được đầu tư nhưng chưa thể đủ đáp ứng nhu cầu... Các phường thuộc quận Hai Bà Trưng khi thực hiện chính quyền đô thị sẽ còn công chức dôi dư, nên mong TP và quận có thể xem xét quan tâm bổ sung cho Vĩnh Tuy, nhất là rất cần chức danh cán bộ chuyên trách lĩnh vực trật tự đô thị (cán bộ địa chính xây dựng phải kiêm lĩnh vực này thì rất khó khăn vì khối lượng công việc đang rất lớn)”- Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Thị Minh Vân đề xuất.

Cũng theo lãnh đạo phường Vĩnh Tuy, hiện cán bộ tư pháp phường được ký hồ sơ với vai trò là thay mặt UBND phường, văn bản chỉ đạo hiện nay cho thấy việc ủy quyền này chưa ảnh hưởng gì đến quyền của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND (vẫn ký được), nên việc ủy quyền cho công chức này sẽ là “thừa ủy quyền”, cấp phường cần được tập huấn sớm, cụ thể về mẫu dấu và cách triển khai…

Đồng quan điểm này, lãnh đạo phường Quỳnh Mai cũng cho rằng, cần cơ chế rõ ràng cho công tác thực hiện chính quyền đô thị tại các phường, nhất là về quy định ủy quyền cán bộ tư pháp ký hồ sơ chứng thực. Hiện theo hướng dẫn của Sở Tư pháp, vai trò của Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường vẫn giữ nguyên, nhưng có nghĩa cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch và cán bộ tư pháp đều có thể ký được, nên cần có quy định rõ hơn về trách nhiệm, tránh trường hợp phát sinh vấn đề nhưng không rõ trách nhiệm thuộc về ai.

"Trong phân công thực hiện nhiệm vụ, các phường vẫn phải đảm trách khối lượng công việc rất lớn, nhiệm vụ phải thực hiện thậm chí còn nhiều hơn trước. Trong đó, công tác dự báo, dự toán công việc đòi hỏi các phường phải chủ động hơn, khi giờ đây thực hiện chính quyền đô thị, cấp phường đã tương đương một phòng ban của quận, nên tính dự báo về khối lượng công việc và tính dự toán để phục vụ tham mưu UBND quận trong thực hiện xây dựng ngân sách cần được đảm bảo, nếu không sẽ bị động, khi dự toán mỗi địa phương khác nhau. Do đó, với 15 công chức định biên cho mỗi UBND phường, rất mong có cơ chế chính sách hỗ trợ thêm cho CBCC”." - Chủ tịch UBND phường Quỳnh Mai Bùi Thanh Hải