Lễ tuyên dương các doanh nghiệp, nhà hảo tâm có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội. Ảnh: Quỳnh Anh |
Cách đây 73 năm, ngày 11/6/1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, tình hình đất nước ở vào thế "ngàn cân treo sợi tóc", tại bản Là Nọn, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Ngay sau đó, Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã có tác dụng tạo ra động lực động viên toàn thể nhân sỹ, trí thức, công nông binh và cả dân tộc. Để thực hiện được mục đích thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ "Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân". Thi đua yêu nước là nhiệm vụ cách mạng của mỗi người dân nên phong trào thi đua yêu nước phải mang tính chất toàn dân.Trong 73 năm qua, từ lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, các phong trào thi đua đã đi vào từng ngóc ngách của đời sống. Khó có thể kể hết các phong trào thi đua liên tục ra đời gắn với đời sống kinh tế - xã hội. Có những phong trào xuyên suốt, đã trở thành thương hiệu và cả những phong trào thi đua “ngắn hạn” gắn với các sự kiện cụ thể. Từ các phong trào thi đua chung như "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để lại ai ở phía sau"; "DN Việt Nam hội nhập và phát triển"; "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở"... đến những phong trào thi đua riêng của từng địa phương, từng ngành, đơn vị. Tại Hà Nội, sự đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua từ cơ sở đến TP đã góp phần tạo ra khí thế thi đua mới, đồng đều và rộng khắp, trong đó phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” gần 30 năm qua đã xuyên suốt trong mọi lĩnh vực công tác và đời sống xã hội TP.Như nhiều ý kiến nhận định, chính sự phát triển không ngừng của các phong trào thi đua đã tạo ra không ít những gương điển hình tiên tiến. Đây chính là nòng cốt, động lực thúc đẩy phong trào thi đua, thúc đẩy thực thi nhiệm vụ. Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều tấm gương đáng học tập đã xuất hiện từ phong trào thi đua, như những người nông dân dám nghĩ dám làm, trí thức không ngừng sáng tạo, cán bộ kiểu mẫu của dân… Họ có thể rất bình dị trong đời sống, nhưng việc làm của họ lại cao quý và đáng trân trọng.Thi đua phải thực chất, đi vào chiều sâuTheo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), qua nghiên cứu có thể thấy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và giá trị thực tiễn sâu sắc. Trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay, những tư tưởng ấy vẫn luôn là nền tảng, động lực lôi cuốn mọi tầng lớp Nhân dân, mọi cấp, ngành hưởng ứng tham gia. Người luôn nhấn mạnh, chú trọng thi đua, nhưng không phải chỉ kêu gọi chung chung, “phát mà không động”, mà thi đua thực chất, đi vào chiều sâu và tạo ra động lực cả về vật chất và tinh thần xã hội. Thông qua thi đua để giáo dục con người, rèn rũa con người mới. Bác rất ghét bệnh hình thức. Người hay phê bình kiểu phát động phong trào thi đua trống giong cờ mở, khẩu hiệu rất kêu, nhưng phong trào cách mạng không có. Ngay trong lời kêu gọi năm 1948, Bác đã nhắc, chú ý thi đua phải mang lại kết quả thiết thực. Sau đó, các phong trào thi đua đều bám sát điều đó, còn bệnh hình thức, bệnh thành tích là sau này dần dần mới xuất hiện.Thực tế thời gian qua cho thấy, mỗi một phong trào thi đua khi ra đời, không ai có thể phủ nhận thành quả mang lại trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn những điều cần phải thẳng thắn nhìn nhận khi sự lan tỏa của các điển hình trong đời sống vẫn chưa được như mong muốn. Phải làm sao tạo thành một sức lan tỏa rộng lớn để thúc đẩy hơn những điều tốt trong xã hội, loại bỏ những điều chưa tốt vẫn còn là một việc phải lưu tâm. Hơn thế nữa, tình trạng thi đua kiểu chiều rộng thì tốt, nhưng chiều sâu lại hạn chế vẫn còn; bệnh hình thức nhiều, phát động rầm rộ nhưng theo dõi chỉ đạo, ý thức của mỗi người lại thiếu.Hiện cả nước đang triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Trong đó nắm vững tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước, sẽ khắc phục bệnh hình thức, đi vào thực chất và phát huy cao độ tinh thần tự giác. Đồng thời, nêu cao vai trò nêu gương trong thi đua, coi trọng hơn việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến. Như nhiều ý kiến đã chỉ ra, thi đua không nên chỉ dừng ở hình thức của một những phong trào, mà tự thân phải có sức sống, có trọng tâm, trọng điểm và mang tính sát thực, hiệu quả hơn. Thi đua để mang lại sự phát triển mọi mặt, chứ không phải thi đua vì danh hiệu, dù danh hiệu và khen thưởng là cần thiết. Nếu chỉ vì danh hiệu, vì động cơ không trong sáng sẽ làm méo mó thi đua.