Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi đua "Người tốt, việc tốt" lan toả, tạo động lực, góp phần xây dựng Thủ đô

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Năm 2024, việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến (ĐHTT) được TP Hà Nội coi là nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước nói chung và phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” nói riêng; bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả 4 khâu.

Năm 2024 diễn ra sự kiện trọng đại kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, TP Hà Nội tiếp tục đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, trong đó phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” đã đạt những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, KT-XH, QP-AN của Thủ đô.

“Nét riêng” trong các phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô

Được duy trì suốt hơn 30 năm qua, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” đã trở thành một phong trào mang dấu ấn đậm nét về nếp sống văn hóa, bản sắc của Hà Nội, một “nét riêng” không thể thiếu trong các phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô, được T.Ư ghi nhận và nhiều địa phương trong cả nước học tập, nhân rộng.

Theo Ban Thi đua-Khen thưởng TP Hà Nội, nổi bật trong năm nay, TP tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 26/12/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn; ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn Hà Nội (Quyết định 33/2024/QĐ-UBND ngày 23/5/2024) và Quy chế phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng ĐHTT.

Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân ĐHTT được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân ĐHTT. TP đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và Cuộc thi “Viết về gương ĐHTT, người tốt, việc tốt”; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tiếp theo.

2 nhóm tác giả của Báo Kinh tế & Đô thị và Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội được trao giải Nhất trong Cuộc thi ''Viết về gương ĐHTT, người tốt, việc tốt'' năm 2023  
2 nhóm tác giả của Báo Kinh tế & Đô thị và Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội được trao giải Nhất trong Cuộc thi ''Viết về gương ĐHTT, người tốt, việc tốt'' năm 2023  

2024 cũng là năm thứ 10, TP phát động, triển khai Cuộc thi “Viết về gương ĐHTT, người tốt, việc tốt”; tiếp tục biên tập, xuất bản sách “Những bông hoa đẹp” TP Hà Nội. Đồng thời, TP đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” bảo đảm rõ nội dung, đối tượng tham gia phong trào, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”; thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức triển khai thực hiện, sơ kết tổng kết phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”.

Kết quả thực hiện phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” năm nay được thể hiện toàn diện ở các lĩnh vực công tác, đó là: trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của TP, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) tại các ngành, địa phương, đơn vị; trong cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thủ đô; trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; trong việc tuyên truyền gắn với Cuộc thi “Viết về gương ĐHTT, Người tốt, việc tốt” và xuất bản sách “Những bông hoa đẹp” TP Hà Nội…

Đáng chú ý, TP tiếp tục triển khai hiệu quả, nhiều đổi mới, lan tỏa sâu rộng trong công tác tuyên truyền nêu gương ĐHTT, người tốt, việc tốt; được thực hiện phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của địa phương, đơn vị. Nhất là Cuộc thi “Viết về gương ĐHTT, người tốt, việc tốt” được duy trì với sự tham gia tích cực của cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông của T.Ư, TP và đông đảo đối tượng dự thi là CBCCVC, cán bộ chiến sĩ, học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn; xuất hiện ngày càng nhiều tác giả là cán bộ cơ sở, người dân...

Hằng tháng, UBND TP có văn bản chỉ đạo Sở TT&TT và các cơ quan báo chí TP triển khai thông tin tuyên truyền các gương ĐHTT, người tốt, việc tốt tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”; đồng thời giới thiệu T.Ư tuyên truyền, nhân rộng các gương ĐHTT, người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô.

Không chỉ cấp TP, mà 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, MTTQ và các tổ chức CT-XH, đơn vị thuộc TP đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, coi đây là phong trào thi đua nòng cốt, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, KT-XH của cơ quan, đơn vị, địa phương. Phong trào nhận được sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân và cả hệ thống chính trị trong công tác phát hiện, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các gương ĐHTT, người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực hoạt động, công tác, đời sống xã hội của TP.

Công tác phát hiện, biểu dương và nhân rộng ĐHTT được thực hiện ngay từ cơ sở, đã trở thành việc làm thường xuyên của nhiều địa phương, đơn vị. Các gương ĐHTT được các cấp phát hiện ngày càng phong phú về thành phần, đối tượng: CBCCVC, NLĐ trong cơ quan hành chính nhà nước; cán bộ cơ sở, người dân; chủ DN, cơ sở sản xuất kinh doanh; chức sắc tôn giáo, học sinh, sinh viên...

Tính đến tháng 9/2024, UBND TP đã quyết định tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cho 657 cá nhân; các cấp cơ sở trong nửa đầu năm nay tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cho trên 1.500 cá nhân.

Tạo bước chuyển biến mạnh về ý thức, chất lượng phục vụ Nhân dân  

“Xác định 2024 là “một năm vàng” với thi đua của Hà Nội, nên ngay từ đầu năm, Ban Thi đua-Khen thưởng TP đã tham mưu cho TP phát động thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và đề xuất TP phát động phong trào thi đua đặc thù riêng. Điển hình là sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, Ban đã tham mưu TP phát động thi đua để triển khai thi hành Luật một cách hiệu quả”- Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng.

Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng cho hay, nét đặc sắc của phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” năm nay chính là được các cấp, ngành gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2024 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”. Điều đó đã góp phần đem lại hiệu quả thiết thực, tạo bước chuyển biến mạnh về ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ CBCCVC, xây dựng chính quyền TP theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Đáng chú ý, Luật Thi đua-Khen thưởng có hiệu lực từ đầu năm 2024 đã tạo nền tảng để phát triển các phong trào thi đua cũng như thực hiện tốt công tác khen thưởng. Ban Thi đua-Khen thưởng TP đã tham mưu TP ban hành các chính sách tạo nền tảng thống nhất trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua, khen thưởng từ TP đến các cấp, ngành- chính là hoạt động rất kịp thời, giúp công tác thi đua, khen thưởng của TP không bị gián đoạn sau khi Luật được thông qua.

Đặc biệt, từ đầu năm, TP ban hành Đề án 03/UBND-ĐA và Kế hoạch 88/KH-UBND tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, trong đó TP dự kiến tổ chức Hội nghị biểu dương ĐHTT, người tốt, việc tốt và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024, trước thềm Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (dự kiến diễn ra vào ngày mai, 8/10)

Phong trào thi đua ''Người tốt, việc tốt'' năm 2024 được các cấp, ngành TP gắn với thực hiện chủ đề công tác năm và Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội” (ảnh: Công chức Sở Nội vụ Hà Nội tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính)
Phong trào thi đua ''Người tốt, việc tốt'' năm 2024 được các cấp, ngành TP gắn với thực hiện chủ đề công tác năm và Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội” (ảnh: Công chức Sở Nội vụ Hà Nội tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính)

“So với các năm trước, Hội nghị năm nay có quy mô lớn, số lượng đại biểu nhiều (trên 1.000 người) và thành phần đa dạng hơn. Với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua ngay từ đầu năm, đến nay toàn TP đã xuất hiện rất nhiều gương ĐHTT, người tốt, việc tốt trong các lĩnh vực đời sống KT-XH và phong trào thi đua- tất cả sẽ được hiện thực hóa thông qua phóng sự, giao lưu với các điển hình tại Hội nghị này”- ông Nguyễn Công Bằng thông tin.

Riêng với các “Công dân Thủ đô ưu tú”, ông Nguyễn Công Bằng cho hay, năm nay cũng tiếp tục được xét chọn trên các lĩnh vực, nhưng có điểm mới là tập trung vào những cá nhân có đóng góp nổi bật thể hiện qua các thời kỳ, giai đoạn phát triển của Thủ đô. Đã 14 năm TP thực hiện vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”, có thể thấy việc khen đúng, khen trúng không chỉ là sự động viên đối với cá nhân mà còn là động lực cho cả xã hội. Vì vậy, việc xét thưởng thời gian vừa qua được TP tiến hành rất chặt chẽ; các gương được biểu dương, tôn vinh thực sự tiêu biểu, là hạt nhân trong các phong trào thi đua.

“Nhìn lại từ năm 2010 đến 2023, các gương “Công dân Thủ đô ưu tú” sau khi được TP vinh danh đều tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm đóng góp cho cơ quan, đơn vị nói riêng và Thủ đô nói chung”- ông Nguyễn Công Bằng nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chánh Văn phòng Ban Thi đua-Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Diên Thành chia sẻ, dự kiến Hội nghị biểu dương ĐHTT, người tốt, việc tốt và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 được TP tổ chức vào ngày 8/10 tới. Sau 14 năm tổ chức, tính đến năm nay, Hà Nội đã có 139 Công dân Thủ đô ưu tú được vinh danh.

Để có thêm thông tin trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, ngày 30/9/2024, Ban Thi đua-Khen thưởng TP đã ban hành Công văn số 560/BTĐ-NV1 về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với danh sách cá nhân dự kiến đề nghị khen thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024. Theo đó, Ban đã công bố danh sách và tóm tắt thành tích 10 cá nhân để lấy ý kiến Nhân dân, được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin báo chí của TP.

“Dự kiến trong chiều 7/10, danh sách 10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 được Ban Thi đua-Khen thưởng TP trình lên để UBND TP xem xét, ban hành quyết định”- ông Nguyễn Diên Thành cho hay. 

Danh sách 10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024:

Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế, Giảng viên Cao cấp, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (sinh năm 1963)

Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (sinh năm 1951).

Ông Hoàng Quốc Hải, hội viên Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Hà Nội (sinh năm 1938).

Bà Đào Thanh Hoàn, Phó Chánh Văn phòng, Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân (sinh năm 1976).

Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa IX, lão thành cách mạng, hội viên Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội (sinh năm 1930).

Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, Chuyên gia pháp luật, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; Trưởng nhóm Chuyên gia sửa đổi Luật Thủ đô (sinh năm 1954).

Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội (sinh năm 1949).

Ông Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội (sinh năm 1948).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Y học, Bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nguyên Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (sinh năm 1954).

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa (nguyên Trưởng Công an phường Láng Thượng) (sinh năm 1981).