Lễ khai mạc Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X |
Qua 10 kỳ Đại hội, con số tập thể, cá nhân được tuyên dương dù có lớn thế nào cũng không thể đại diện hết được cho những tấm gương từ các phong trào thi đua những năm qua. Có thể nói rằng, các phong trào thi đua đã đi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội, từ lao động, sáng tạo, dạy và học, bảo vệ an ninh, đến vì người nghèo, giúp nhau làm kinh tế… Trên các công trình, đơn vị, DN, tổ chức, đến khắp các vùng miền... rất nhiều tấm gương điển hình đã xuất hiện, từ người nông dân dám nghĩ dám làm, giáo viên hết lòng vì học sinh, đến những trí thức, lao động không ngừng sáng tạo, cán bộ kiểu mẫu, DN, doanh nhân tài năng và cả những tấm gương sáng vì cộng đồng... Những tấm gương ấy có thể rất bình dị trong đời sống, nhưng việc làm của họ lại cao quý và được xã hội trân trọng tôn vinh. Họ là những người đã cống hiến tài năng, công sức, trí tuệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, làm lợi cho cộng đồng, giúp ích cho xã hội. Đúng như lời Bác dạy “Thi đua là yêu nước, người yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Và tại Đại hội lần này, hàng nghìn bông hoa đẹp nhất, những người yêu nước nhất tụ hội trong một ngày hội vui của cả nước đã mang đến một niềm cảm hứng lớn cho tất cả người dân Việt Nam tiếp tục thi đua hăng say lao động, sáng tạo.Thực tế, mỗi phong trào thi đua được phát động, triển khai, không ai có thể phủ nhận thành quả mang lại trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn những điều cần phải thẳng thắn nhìn nhận khi sự lan tỏa của các điển hình trong đời sống vẫn chưa được như mong muốn. Phải làm sao tạo thành một sức lan tỏa rộng lớn để thúc đẩy hơn những điều tốt trong xã hội, loại bỏ những điều chưa tốt vẫn còn là một việc phải lưu tâm. Hơn thế nữa, tránh tình trạng thi đua kiểu chiều rộng thì tốt, nhưng chiều sâu lại hạn chế; bệnh hình thức nhiều, phát động rầm rộ nhưng theo dõi chỉ đạo, ý thức của mỗi người lại thiếu. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Đại hội: Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới, tránh hình thức, nhàm chám.Rất nhiều phong trào thi đua cho giai đoạn tiếp theo đã được phát động, tiếp tục là biện pháp quan trọng, thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của mọi mặt đời sống. Cùng với các phong trào thi đua như "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để lại ai ở phía sau"; "DN Việt Nam hội nhập và phát triển"; "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở"... là những phong trào thi đua riêng của từng địa phương, từng ngành, đơn vị… “Những hạt giống đỏ” nảy mầm từ các phong trào thi đua này sẽ tạo động lực cho mọi mặt của đời sống phát triển đi lên không ngừng.