Thi đua vì “An toàn thực phẩm”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2016, 100% các đơn vị, cá nhân sản xuất thực phẩm nắm được quy trình, điều kiện sản xuất thực phẩm an toàn.

Trên đây là một trong những mục tiêu của Kế hoạch số 59/KH-UBND về triển khai tổ chức phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 vừa được UBND Hà Nội ban hành.

Theo kế hoạch, trong năm 2016, toàn thành phố thi đua triển khai thực hiện có hiện có hiệu quả mục tiêu: 80% người sản xuất, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm; 90% người quản lý; 80% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP; 10% cơ sở trồng trọt áp dụng VietGAP, 8-10% cơ sở chăn nuôi áp dụng VietGAP; 10% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thực hiện kiểm soát chất lượng, tỷ lệ trên tương ứng tăng gấp đôi vào năm 2020; 50% vùng nuôi thủy sản tập trung được giám sát dư lượng hóa chất độc hại và đạt 80% vào năm 2020; 100% các đơn vị, cá nhân sản xuất thực phẩm nắm được quy trình, điều kiện sản xuất thực phẩm an toàn; tỷ lệ cơ sở chế biến, kinh doanh quy mô công nghiệp, tập trung thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt 80% và đạt 100% vào năm 2020.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đến năm 2020, tỷ lệ cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô nhỏ lẻ áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng ATTP tăng 30% so với năm 2016. Tỷ lệ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (ký cam kết đảm bảo ATTP) đạt 80% năm 2016 và 90% vào năm 2020. Bếp ăn tập thể đạt 90% năm 2016 và 95% năm 2020. Tỷ lệ siêu thị được kiểm soát ATTP đạt 50% vào năm 2016 và đạt trên 70% vào năm 2020.

Phấn đấu đến hết năm 2016, tỷ lệ chợ được quy hoạch và kiểm soát ATTP (không bao gồm chợ cóc) đạt 40% và đạt trên 70% vào năm 2020. Phấn đấu 100% các chợ “cóc” dọc đường quốc lộ, tỉnh lộ, tụ điểm giao thông, điểm xung quanh các chợ đã được phân hạng, tụ điểm đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin, báo chí gây bức xúc dư luận được xóa bỏ trong năm 2016.

Để thực hiện được mục tiêu trên, đi đôi với thi đua sản xuất, cung cấp ra thị trường thực phẩm an toàn; sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, UBND thành phố chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước của các ngành, các cấp thuộc thành phố như: Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về ATTP; các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về ATTP; tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành với UBND các quận, huyện, thị xã và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể; chỉ đạo các phường, xã, thị trấn nghiêm túc triển khai ký cam kết đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ…