70 năm giải phóng Thủ đô

Thi lớp 10: Ổn định tâm lý, tránh tình trạng vừa ôn vừa lo

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Còn một tháng nữa, Kỳ thi vào lớp10 năm học 2023 – 2024 tại Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Thời điểm này, song song với ôn tập, củng cố kiến thức thì việc giữ tâm thế thoải mái, tránh căng thẳng cộng chế độ dinh dưỡng hợp lý là điều đặc biệt quan trọng.

Còn 1 tháng nữa, Kỳ thi lớp 10 năm 2023 tại Hà Nội chính thức diễn ra
Còn 1 tháng nữa, Kỳ thi lớp 10 năm 2023 tại Hà Nội chính thức diễn ra

Khó cũng không hốt hoảng

Nhiều năm trở lại đây, mức độ cạnh tranh của Kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội luôn được xem là “khó hơn thi đại học”. Cái khó đầu tiên đến từ chỉ tiêu tuyển sinh vào trường công lập chỉ chiếm hơn 50% trên tổng số thí sinh dự tuyển. Tiếp đó, các trường tốp đầu – niềm mơ ước của mọi thí sinh có điểm đầu vào cao chót vót. Điểm chuẩn của từng năm lại có độ chênh lệch nhất định dẫn đến nhiều phụ huynh, học sinh hoang mang không biết mình lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng có đúng không, có sáng suốt không và có gặp may mắn không.

Điểm chuẩn 10 trường THPT tốp đầu tại Hà Nội tại Kỳ thi lớp 10 năm 2022
Điểm chuẩn 10 trường THPT tốp đầu tại Hà Nội tại Kỳ thi lớp 10 năm 2022

Thực tế, đã từng có thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi 4 năm THCS, thậm chí học sinh giỏi cả 9 năm tính từ tiểu học, luôn là niềm tự hào của gia đình nhưng vẫn trượt trường tốp đầu hoặc trượt cả 3 nguyện vọng công lập. Tuy số này rất ít nhưng nỗi day dứt thì kéo dài từ năm này qua năm khác, thổi vào phụ huynh niềm ưu tư, lo lắng, sụt giảm niềm tin bởi tâm lý “học tài thi phận”…  Việc nhắc đi nhắc lại câu chuyện không điển hình tại kỳ thi lớp 10 như trên vô hình trung đẩy sức nóng của kỳ thi lên quá đà, tạo nỗi hoang mang không cần thiết với cả phụ huynh và học sinh.

Thừa nhận tính chất của kỳ thi lớp 10 công lập ngày càng căng thẳng vì tốc độ xây trường chậm hơn tốc độ tăng dân số nhưng theo cô giáo Nguyễn Thị Hoa Mai, quận Hà Đông thì dư luận xã hội, trong đó có phụ huynh đang đẩy sức nóng của kỳ thi lớp 10 lên quá đà.

Cô Mai cho rằng, phụ huynh cần sớm thay đổi cách nhìn và có tâm lý cởi mở hơn với cánh cửa vào lớp 10 bởi nếu không đỗ trường công lập thì học sinh vẫn có thể học tại các loại hình trường khác như dân lập, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và không thể nói, học trường công sẽ tốt hơn các trường còn lại.

“Có không ít học sinh giỏi, thậm chí là rất giỏi không chọn học lớp 10 công lập mà chọn học loại hình tư thục. Khóa tôi chủ nhiệm, có hàng chục học sinh giỏi lớp chọn được gia đình đăng ký học trường tư thục và tại phiếu dự tuyển lớp 10, các em ghi rõ nguyện vọng “ngoài công lập”. Có không ít bố mẹ, tuy con học khá nhưng có định hướng nghề sớm và không muốn con chịu áp lực đã quyết định cho con học trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên theo nguyện vọng”- cô giáo Nguyễn Thị Thủy, quận Nam Từ Liêm nói.

Ngoài ra, có những phụ huynh con học tốt, học giỏi nhưng luôn thường trực nỗi hoang mang, lo lắng dẫn đến tâm lý con ít nhiều bị ảnh hưởng. Cũng có phụ huynh biết sức học của con vừa phải vẫn đăng ký nguyện vọng cao hơn năng lực của con và cũng có cha mẹ con không muốn thi vẫn ép buộc con phải thi rồi xin cho con học cùng lúc nhiều lò luyện…. Những điều này làm tăng áp lực cho cả phụ huynh, học sinh, giáo viên; từ đó khiến sức nóng của kỳ thi lớp 10 ngày càng bị đẩy lên cao.

Cần kiến thức chắc, tinh thần vững

Một trong những yếu tố thuyết phục để thí sinh, phụ huynh không nên quá lo lắng, đó là đề thi lớp 10 gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao; đề thi môn ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.

Mỗi thí sinh cần có chế độ ôn luyện, nghỉ ngơi khoa học, tránh căng thẳng, lo lắng
Mỗi thí sinh cần có chế độ ôn luyện, nghỉ ngơi khoa học

Cô Phạm Thanh Minh, giáo viên Trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân chia sẻ: “Nội dung đề thi vào 10 không khó. Khi đã hoàn tất khâu đăng ký nguyện vọng thì điều quan trọng nhất là học sinh giữ tinh thần khỏe mạnh, có kế hoạch tăng tốc để về đích. Mỗi ngày, các em cần ghi cụ thể mục tiêu thực hiện như làm mấy bài văn, mấy bài toán, mấy bài tiếng Anh. Các em cần tự hệ thống lý thuyết và các dạng bài tập; làm lại những bài tập đã làm kết hợp làm đề”.

Theo cô Thanh Minh, để dễ nhớ, các em có thể hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Phụ huynh cũng cần giữ tâm lý bình tĩnh, ổn định, tự tin; quan tâm chế độ dinh dưỡng để bổ sung cho con; cổ vũ, nhắc nhở con tham gia thể thao, ra ngoài hít thở không khí, tránh học quá nhiều đến quên ăn quên ngủ vì như vậy sẽ dẫn đến stress, lo lắng kéo dài, kiệt sức, hiệu quả ôn tập giảm và kết quả thi không được như mong muốn. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên xem xét, nghiên cứu các trường ngoài công lập để dự phòng cho con.

Kỳ thi nào cũng không tránh khỏi áp lực, cạnh tranh và đòi hỏi mỗi học sinh phải có nền tảng kiến thức cộng tinh thần thực học, học có phương pháp, có trách nhiệm, có định hướng.

Chia sẻ về vấn đề này, các chuyên gia giáo dục cho biết: Trong giai đoạn ôn thi nước rút, điều cốt yếu là giữ ổn định phong độ và ôn luyện thật kỹ các dạng bài căn bản, trọng tâm. Việc cố nhồi nhét hay sa đà vào học các bài quá khó, quá đánh đố là điều học sinh nên hạn chế. Các em cần ôn luyện và củng cố lại thật chắc chắn các dạng bài trọng điểm thường gặp, đồng thời rèn các kỹ năng làm một đề thi tổng hợp và cách tối ưu thời gian. Ai ôn luyện kỹ hơn, thao tác cẩn thận hơn, sử dụng thời gian tốt hơn sẽ là những người đến gần thành công hơn.

"Muốn thi tốt, ngoài kiến thức tốt thì học sinh rất cần một sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần khỏe mạnh, đồng nghĩa với chế độ học kết hợp chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý”- chuyên gia gợi mở.

 

Kỳ thi lớp 10 công lập năm học 2023- 2024 tại Hà Nội được tổ chức vào 2 ngày 10-11/6. Năm nay, Hà Nội dự kiến tuyển vào trường THPT khoảng 102.000 học sinh (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022- 2023).

Trong đó: Tuyển vào trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (chiếm tỷ lệ 55,7%); tuyển vào trường THPT công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 học sinh (chiếm tỷ lệ 23,2%); tuyển vào Trung tâm GDNN- GDTX khoảng 10.000 học sinh (chiếm tỷ lệ 7,7%); tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Trung tâm GDNN- GDTX liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT) khoảng 17.210 học viên (chiếm tỷ lệ 13,4%).