Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị phần điện toán đám mây Việt: Cơ hội nào cho sản phẩm Make in Vietnam ?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự đoán 5 năm tới, nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng viễn thông thiết yếu phục vụ cho việc phát triển Chính phủ số và kinh tế số. Làm thế nào tạo “cú huých” cho doanh nghiệp Make in Vietnam phát triển nền tảng này là bài toán cần giải quyết.

Thị trường tiềm năng
 
Việt Nam đang chuyển đổi số mạnh mẽ với sự ra đời của các ứng dụng số hóa phục vụ cho việc học tập, làm việc từ xa như: khám chữa bệnh, hội nghị truyền hình, dịch vụ, truyền thông, an toàn an ninh mạng… Trong đó, điện toán đám mây được xác định là nền tảng số cho các dịch vụ này phát triển.
 
Đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, Covid-19 đã tạo đà thúc đẩy phát triển điện toán đám mây. Dự báo, đến năm 2025 thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt 500 triệu USD và tốc độ tăng trưởng 30 - 40%. Đây cũng là hạ tầng viễn thông thế hệ mới được Bộ TT&TT định hướng phát triển trong vòng 5 - 10 năm tới. 
 
  Hầu hết thị trường điện toán đám mây Việt đang nằm trong tay các doanh nghiệp quốc tế

Thống kê cho thấy, 80% thị phần điện toán đám mây tại Việt Nam nằm trong tay các ông lớn xuyên biên giới như Amazon, Google, Microsoft, IBM…, 20% còn lại thuộc doanh nghiệp Việt Nam như VNPT, Viettel, VNG, CMC, NetNam. Như vậy, dư địa mở rộng ngành điện toán đám mây còn rất tiềm năng.
 
Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Viettel IDC nhận định, chúng ta mới cung cấp chủ yếu dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây, còn dịch vụ phần mềm trên nền hạ tầng điện toán đám mây chưa khai thác được nhiều dù mảng này mới đem lại doanh thu và tăng trưởng lớn. Riêng Viettel, tốc độ phát triển của dịch vụ cao gấp đôi bình thường từ 60 đến 80% cho thấy thị trường còn khoảng khai thác rất rộng. 
 
Đồng thời, chúng ta có hơn 700 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng số lượng sử dụng dịch vụ hạ tầng số còn rất nhỏ nên có nhiều cơ hội tăng trưởng đột phá. Khảo sát của Viện Giá trị doanh nghiệp IBM (IBV) cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch tăng tỷ lệ chi tiêu cho mảng đám mây lai (kết hợp giữa các nền tảng điện toán đám mây với một nền tảng đám mây nội bộ) từ 41% lên 43% vào năm 2023. IBV cũng đưa ra dữ liệu có đến 56% doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng nền tảng quản lý đám mây. 
 
Hợp tác để cạnh tranh                      
 
Quy mô thị trường, nhu cầu lớn song để khai thác hiệu quả, chiếm được thị phần từ tay các nhà cung cấp nước ngoài mạnh về hạ tầng, kinh nghiệm, tài chính về là điều không hề đơn giản đối với các nhà cung cấp Việt Nam.
 
Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ đám mây có các điểm mạnh như: nhiều giải pháp ứng dụng; có chính sách cho khách hàng dùng thử dịch vụ; thanh toán nhanh chóng, tiện lợi; uy tín lâu năm đã được kiểm chứng… Trong khi đó, dịch vụ cung cấp dịch vụ đám mây ở Việt Nam chưa đủ năng lực xây dựng hạ tầng tốt như các ông lớn công nghệ trên thế giới. 
 
Tuy nhiên doanh nghiệp Việt có những lợi thế cạnh tranh nhất định. Ông Lê Trung Thành - Giám đốc Kỹ thuật số IDG Việt Nam đánh giá doanh nghiệp Việt Nam có ưu thế trong việc tiếp cận khách hàng, nắm bắt được điểm yếu, điểm mạnh của khách hàng trong nước; sở hữu đội ngũ kỹ sư tại chỗ, hiểu biết về thị trường nội địa để Việt hóa các ứng dụng; có tinh thần đồng hành cùng khách hàng để giải quyết từng phần về công nghệ…

Để chiếm lĩnh thị phần trong nước, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) bày tỏ quan điểm cùng hợp tác phát triển. Theo ông Hy, thế giới hiện đang tập trung vào một số nhà cung cấp điện toán đám mây lớn. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác thúc đẩy dùng chung càng nhiều thì chi phí sẽ rẻ hơn.

“Điện toán đám mây hiện nay không chỉ nói về ba lĩnh vực hạ tầng, nền tảng như, phần mềm mà xu hướng hiện nay đang đi vào AI, dữ liệu lớn nên việc xây dựng chính sách, quy hoạch thúc đẩy phát triển điện toán đám mây phải xem xét kỹ lưỡng. Điện toán đám mây chính phủ (G-Cloud), dữ liệu lớn… là những cái mới, là cơ hội cho Việt Nam”, ông Hy cho nhận định.

Trong khi đó, ông Lê Quang Hiếu (Tổng công ty ViettelNet) đề xuất, Nhà nước cần ban hành các cơ chế, chính sách để đưa hạ tầng số trở thành hạ tầng thiết yếu; xây dựng chiến lược quy hoạch cấp quốc gia đối với nền tảng lõi của hạ tầng số; sớm ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dữ liệu...
 
Mới đây, ngày 20/8, Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS, trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) đã gửi tới Chính phủ một số khuyến nghị chính sách trong lĩnh vực dịch vụ điện toán đám mây.
 
Cụ thể, IPS khuyến nghị, Nhà nước tiếp tục có chiến lược nâng cấp hạ tầng kết nối, viễn thông, chất lượng băng thông; có chính sách cụ thể về việc sử dụng điện toán đám mây, trong đó thể hiện rõ việc ưu tiên ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, lợi thế cạnh tranh, các loại mô hình dịch vụ đám mây phù hợp để sử dụng. Song hành cùng chính sách ưu tiên, là nguyên tắc phân loại dữ liệu theo mức độ nhạy cảm kết hợp yêu cầu bảo mật tương ứng nhằm chống lại các mối đe doạ hiện hành và tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia nếu dữ liệu đó bị xâm phạm.
 
Viện này cũng cho rằng, Việt Nam cần đánh giá các loại hình dịch vụ công trực tuyến, các cấu thành ưu tiên trong hệ thống dịch vụ đô thị thông minh hiện nay để di chuyển lên đám mây dùng chung hoặc đám mây của Chính phủ. Do vậy, việc xác định cơ chế tài chính để lựa chọn sử dụng mô hình đám mây phù hợp sau khi đã phân loại dữ liệu là cần thiết. Theo đó, hình thức đối tác công - tư trong việc xây dựng hạ tầng đám mây là phương án có thể cân nhắc. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đảm bảo dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và yêu cầu về bản địa hóa dữ liệu.
 
Ông Vũ Thế Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Internet (VIA) cho biết xây dựng tiêu chí tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng và khả thi là điều rất tốt. Nhưng quan trọng là kích cầu, các cơ quan, hộ tiêu dùng có chính sách chuyển đổi sang đám mây, có ưu tiên sử dụng dịch vụ giải pháp của doanh nghiệp trong nước hay không. Phải tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp chỉ thấy thương hiệu lớn thì dùng chứ không quá quan tâm dịch vụ của nước ngoài hay trong nước. Đây là những giải pháp giúp bước đầu nâng cao năng lực tự chủ điện toán đám mây cho Việt Nam.
 
Trong báo cáo xây dựng chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu 70% thị phần dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam thuộc các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.