Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi sĩ Hoàng Cầm nhìn từ hôm nay

Công Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Vẻ đẹp của thơ ca giai đoạn 1954 - 1975 ở miền Bắc không thể không kể đến với những tên tuổi Quang Dũng, Hữu Loan, Trần Mai Ninh… Và cũng không thể không nhắc đến Hoàng Cầm.

Nhà thơ Hoàng Cầm.  
Nhà thơ Hoàng Cầm.  

Thơ Hoàng Cầm nhìn từ góc độ triết học - nói theo ngôn ngữ Nietzsche là những phút giây “sáng hóa” của nhận thức tinh thần.

Thơ Hoàng Cầm là dòng suối cho hồn ta tắm mát, đưa ta trở về quê hương thuần hậu, trong lành. Thơ ông là “con chim cu về gù rặng tre/ đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng/ đưa mây lành những phương trời lạ/ về tụ nóc cây rơm”...là “con bê vàng lạc dáng chiều xanh/ đi mãi tìm sim chẳng chín(Về với ta).

Thi sĩ không có tuổi

Hơn ba thế kỉ qua, “tính hiện đại” đã lên ngôi bằng sức mạnh chiến thắng của lý trí, của khoa học công nghệ, của nguyên tắc “hợp lý hóa”. Sự chiến thắng của “tính hiện đại” đã tạo nên sự chuyển động, thay đổi toàn diện đời sống nhân loại. Tuy nhiên, lịch sử những tiến bộ của lý trí, của sự “thế tục hóa”, “hợp lý hóa”, “uy quyền hợp pháp của lý trí” cũng đồng thời là lịch sử của sự hủy diệt nhiều giá trị nhân văn.

Chúng ta tìm về với thơ Hoàng Cầm trong bối cảnh xã hội như vừa nói trên mới thấy và thấm hết ý nghĩa của thơ ông. Thêm yêu thơ Hoàng Cầm trong từng dáng nhịp, trong từng hình ảnh, trong từng âm hưởng, vang vọng, dạt dào... Tất cả là một cõi thơ lộng lẫy. Nếu nói công việc làm thơ là công việc “hồn nhiên thơ dại nhất” thì thơ Hoàng Cầm là cả một “hồn nhiên thơ dại” lớn. “Thơ dại” vì viết thơ - Hoàng Cầm chỉ sống trong mơ.

Điểm nhìn trong thơ Hoàng Cầm là điểm nhìn của một đứa trẻ nhớ quê, khao khát tình cảm. Đời thơ Hoàng Cầm là đời thơ khát. Ám ảnh khát bao trùm thi giới Hoàng Cầm làm nên âm điệu triền miên khát của thơ ông. Nó thường xuyên nóng nghẹn trong cổ họng, rồi mấp máy đầu môi “Lý lý ơi khát khô cả giọng/ Tinh tình ơi chớ động mành thưa” (Theo đuổi). Nó làm bỏng rát cả cơn mưa: “Áp môi bỏng cõi mưa dài/ Khát thêm từng trận, khát hoài tuổi xưa”(Gọi đôi). Nó bám lấy ông suốt một đời không buông tha: "Và dai dẳng em ơi/ Là cơn say khát lá/ Cứ thon mềm xanh lả/ Trong men quê bồi hồi” (Nhớ).

 

Một trăm năm ngày sinh thi sĩ Hoàng Cầm(22/2/1922 – 22/2/2022), tưởng nhớ ông, chúng ta thêm một lần thụ hưởng vẻ đẹp của hồn thơ Kinh Bắc tài hoa, độc đáo - trong cái nhìn của con người thời đại hôm nay.

Cả một đời Hoàng Cầm bị cơn khát tình yêu giày vò cho nên Hoàng Cầm không đủ thời gian để già. Hoàng Cầm sống gần 90 tuổi, làm thơ từ lúc tám tuổi cho đến cuối đời, không có bài thơ nào than vãn tuổi già. Thật đúng thi sĩ là người không có tuổi.

Thơ Hoàng Cầm chứa đầy nội lực, đầy sức trẻ của tình yêu. Tâm hồn Hoàng Cầm đê mê trong cõi quê hương Kinh Bắc đẹp như trong cổ tích thần tiên. Những đình, chùa, lễ hội giêng hai, hình ảnh người mẹ ông – cô gái Quan họ nhan sắc óng ả, “những cô hàng xén răng đen cười như mùa thu tỏa nắng”, những lễ hội giao duyên, lúng liếng, tình tứ sắc hương, mối tình chị em trong niềm vô vọng tìm lá Diêu Bông giữa cánh đồng quê, chiều mênh mông bạt gió... tất cả đã được huyền thoại hóa, tắm trong hương hoa ánh sáng, tình yêu mê đắm, diễm kiều.

Và, nói như Đỗ Đức Hiểu: “thơ Hoàng Cầm âm u, lóe sáng, rồi mịt mù, xa lắc, như những huyền thoại thuở hoang sơ”. Đó là vẻ đẹp đời đời khôn nguôi của bi kịch con người làm nên sức sống bí ẩn của thơ Hoàng Cầm. Nói thơ Hoàng Cầm là một “thơ dại lớn” là vì “thơ dại Hoàng Cầm” đã mở ra kích thước cho lễ hội và thần linh. Có thể nói đây là hai yếu tố nổi bật trong cấu trúc chiều sâu làm nên thi giới độc đáo vô song của Hoàng Cầm, tạo lập nên cõi thơ riêng biệt của Hoàng Cầm trong thơ Việt xưa nay.

“Sự cạn kiệt của tính hiện đại nhanh chóng trở thành một cảm giác lo sợ về tính vô nghĩa của hành động không chấp nhận những tiêu chuẩn nào khác ngoài tính hợp lý công cụ cả”( Alain Touraine). Sự thiếu vắng lễ hội trong tâm hồn con người, đó là sự “nghèo nàn tinh thần” của thời đại. “Lễ hội là gì? Là ra khỏi nhịp điệu nhàm chán thường ngày. Là ra khỏi vòng kìm tỏa của sự “hữu ích”, “hữu dụng” để sống đích thực là chính mình. “Trong thời đại của khoa học - kỹ thuật – công nghệ, con người bị “đóng khung” (Gestell), khiến cho sự “ưu tư” (Sorge/care) khó trở thành sự ưu tư đích thực... ”(Bùi Văn Nam Sơn). Mở ra kích thước lễ hội tâm hồn, thơ Hoàng Cầm đã bao hàm sự giải phóng tinh thần rất lớn.

Chất lễ hội và tình yêu quê hương

Xin đừng nhầm chất lễ hội trong thơ Hoàng Cầm với đề tài lễ hội xuất hiện nhiều trong thơ ông. Đành rằng cảm hứng về đề tài lễ hội cũng là dấu hiệu của lễ hội tâm hồn (riêng “Nhịp sáu” trong tám nhịp thơ ở tập thơ Về Kinh Bắc đã có 11 bài viết trực tiếp về lễ hội).

Điều đáng nói là toàn bộ thế giới cuộc sống trong thơ Hoàng Cầm là một cõi vô thức tưng bừng lễ hội. Lễ hội của tình yêu lồng trong lễ hội của tình quê hương. Chỉ cần bước vào cuộc khiêu vũ mưa trong lễ hội “Mưa Thuận Thành” của Hoàng Cầm tâm hồn ta đủ chất ngất thăng hoa: Nhớ mưa Thuận Thành/ Long lanh mắt ướt/Là mưa ái phi/ Tơ tằm óng chuốt/ Ngón tay trắng nuột/ Nâng bồng Thiên Thai/ Mưa chạm ngõ ngoài/ Chùm cau tóc xõa/ Miệng cười kẽ lá/ Mưa nhòa gương soi/ Phủ Chúa mưa lơi/ Cung Vua mưa chơi/ Lên ngôi hoàng hậu/ Cứ mưa Thuận Thành/ Hạt mưa chưa đậu/ Vai trần Y Lan/ Mưa còn khép nép/ Nhẹ rung tơ đàn/ Lách qua cửa hẹp/ Mưa càng chứa chan/ Ngoài bến Luy Lâu/ Tóc mưa nghiêng đầu/ Vành khăn lỏng lẻo/ Hạt mưa chèo bẻo/ Nhạt nắng xiên khoai...”.

Giọt mưa nhảy nhót trong mọi góc nổi, góc chìm, góc khuất... của mọi biểu vật văn hóa quê hương đó chính là nhịp hồn của Hoàng Cầm hóa thành từng gót chân khiêu vũ miên man trong tưng bừng lễ hội.

Lễ hội tình yêu trong thơ Hoàng Cầm tung bay khăn, yếm, áo. “Áo tơ dính chặt bó thân hình/ Đến khi xé lụa bừng da thịt/ Ngửa mặt phù du khép gió xanh/Rung suốt dây si nhịp quá mê/Nghe nghìn thế giới trượt gềnh/ Lung linh hồn liệng quỳ khe núi/ Van suối trần tâm khép nép về” (Dáng thơ).

Lễ hội tình yêu trong thơ Hoàng Cầm có “chiều nghiêng mây Thị Mầu”(Anh đứng đây là đâu), “lật sấp mặn nồng gối nguội/ Động phòng cưỡng gió ôm hôn... Xin cúi mình nghe cơn giông dự báo/ Sấm động tơ trời vương mắt long lanh/ nửa mảnh mây hờ sã cánh tim xanh(Chuyện cô đơn).

Những luồng ánh sáng trong trẻo của tâm hồn đứa trẻ nhớ quê trong những vần thơ Hoàng Cầm réo rắt du dương, đầy nhạc tính ru ta trong chập chờn mộng ảo. Mặc dù không bao giờ chối bỏ được cuộc mưu sinh nhưng con người cũng không thể sống nếu thiếu những giấc mơ gắn với thế giới tâm linh của mình. Giấc mơ quê hương, giấc mộng “thiên đường” - “mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên” (Bên kia sông Đuống) – nơi ấy có thiên nhiên, có tập tục cố quận và tình yêu huyền thoại luôn luôn là sự siêu sắc nuôi dưỡng, là nguồn năng lượng thẩm mỹ cho “con người tồn tại trên mặt đất như một thi sĩ”.

Trên ý nghĩa ấy, thơ Hoàng Cầm nằm trọn trong lời Nietzsche: “Chúng ta có nghệ thuật để không phải chết vì sự thật” Hôm qua, hôm nay và ngày mai - trong bạn, trong tôi, trong mọi người... đều “dai dẳng” một “ đứa trẻ nhớ quê, khao khát tình yêu”? Vậy thì, câu thơ: “Và dai dẳng em ơi/ Là cơn say khát lá/ Cứ thon mềm xanh lả/ Trong men quê bồi hồi” đã chứa đựng toàn bộ sức sống của thơ Hoàng Cầm cũng như thơ ca nhân loại. Và, lời của triết gia - thi sĩ Holderlin mà Heidegger cũng như Bùi Giáng... yêu mến đến nhường kia hẳn đã không sai “Những gì bền vững là do thi sĩ thiết lập”.

Hà Nội, tháng 2/2022