Thí sinh cân não chọn trường khi học phí tăng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Cùng việc công bố phương án tuyển sinh năm học 2023- 2024, các sơ sở đại học cũng thông tin công khai về mức học phí áp dụng trong năm học tới để thí sinh, phụ huynh được biết, từ đó có quyết định chọn trường, chọn ngành phù hợp với cả năng lực và điều kiện kinh tế.

Đại học rầm rộ tăng học phí

Trường ĐH Dược Hà Nội vừa công bố 4 phương thức tuyển sinh năm học 2023- 2024 cùng mức học phí sẽ áp dụng trong thời gian tới. Học phí đối với hệ đại trà cụ thể như sau: Ngành Dược 2.450.000 đồng/tháng (tức 24,5 triệu đồng/năm học); ngành Hóa dược 1.850.000 đồng/tháng (tức 18,5 triệu đồng/năm học); ngành Công nghệ sinh học và ngành Hóa học 1.350.000 đồng/tháng (tức 13,5 triệu đồng/năm học). Riêng hệ chất lượng cao, học phí năm học 2023-2024 là 4.950.000 đồng/tháng (tức 49,5 triệu đồng/năm học).

Tăng học phí là vấn đề thí sinh, phụ huynh quan tâm khi chọn trường
Tăng học phí là vấn đề thí sinh, phụ huynh quan tâm khi chọn trường

Mức học phí của Trường ĐH Ngoại thương cũng thu hút sự chú ý khi trường dự kiến tăng 5-10 triệu đồng/năm học (tùy chương trình đào tạo). Mức học phí dự kiến đối với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm học; học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 45 triệu đồng/năm học (tăng 5 triệu đồng); học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm học (tăng 10 triệu đồng); học phí Chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp dự kiến là 60 triệu đồng/năm học.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến học phí chương trình đại trà dao động từ khoảng 16 triệu - 24 triệu đồng/năm học (tùy từng ngành); Học phí chương trình chất lượng cao từ 40-60 triệu đồng/năm; học phí chương trình tiên tiến dao động từ 40-80 triệu đồng/năm.

Học phí Học viện Tài chính năm 2023 -2024 chương trình chuẩn tăng tối đa 20%, dao động từ 22 – 24 triệu đồng/năm học; học phí chương trình chất lượng cao: từ 48 – 50 triệu đồng/năm học; học phí diện tuyển sinh theo đặt hàng từ 42 – 44 triệu đồng/sinh viên/năm học. Học viện cũng nêu chính sách học phí đối với sinh viên học chương trình liên kết quốc tế.

Được sự cho phép của Chính phủ, các cơ sở đại học sẽ tăng học phí từ năm học 2023- 2024 và thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Các nhà trường phải quyết định mức thu học phí và thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.

Cân nhắc kỹ hơn khi chọn trường

Trong và sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19, các trường đại học không tăng học phí theo quy định; trong đó năm học 2022- 2023, một số cơ sở giáo dục đã có quyết định tăng học phí và tiến hành thu của người học. Khi có yêu cầu giữ nguyên mức học phí, các trường này phải hoàn lại phần chênh lệch cho sinh viên hoặc giảm trừ vào kỳ thu học phí tiếp theo.

Năm nay, cuộc sống hoàn toàn trở lại trạng thái bình thường nên việc tăng học phí là tất yếu; tuy vậy, nhiều thí sinh, phụ huynh không khỏi tâm tư.

Các trường phải quyết định mức thu học phí, thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển
Các trường phải quyết định mức thu học phí, thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển

Trước dịch, chị Nguyễn Thu Nga, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội là chủ sở hữu một nhà hàng nhỏ. Khách đến nhà hàng đều nên nguồn thu của chị Nga tương đối ổn định, đủ để nuôi con ăn học với mức đóng góp của trường công lập. Từ khi xảy ra dịch bệnh, chị phải trả mặt bằng, đóng cửa hàng và đến nay không có tiềm lực để thuê, mở lại nên thu nhập, cuộc sống rất bấp bênh.

“Con tôi học tốt và có nguyện vọng học ngành kinh tế. Nhìn mức học phí của khối trường này đều cao, tôi hoa cả mắt. Nền kinh tế thời gian tới vẫn tiếp tục khó khăn, thậm chí khó khăn hơn; vậy mà điện tăng, học phí tăng. Tôi và con sẽ nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận các nguyện vọng để xem ngành nào phù hợp với điều kiện kinh tế thì mới dám đăng ký”- chị Nga chia sẻ.

Luôn yêu thích và đặt kỳ vọng vào ngành Dược, em Mai Thị Hà Chi, quận Cầu Giấy cho hay: "Em mong ước được học ngành chất lượng cao của ĐH Dược Hà Nội. Tuy nhiên, với mức học phí ngót 50 triệu/năm, em sẽ chuyển sang đăng ký ngành đại trà. Học đại học là chặng đường dài, số tiền phải chi trả rất nhiều nên không thể thuần túy chọn theo sở thích của mình được".

Dự báo sẽ có nhiều đối tượng thí sinh chịu ảnh hưởng bởi chi phí tăng, trong đó có gánh nặng học phí, Phó Thủ tướng chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Bộ GD&ĐT đánh giá rõ tác động xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, thậm chí không thể đi học do học phí tăng, từ đó, có phương án hỗ trợ cụ thể; đồng thời yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, bài bản.

Nêu tác động của học phí đối với việc chọn trường, PGS.TS Vũ Thị Hiền- Trường Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho biết: "Năng lực tài chính là yếu tố quan trọng khi thí sinh đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề, chọn trường. Thí sinh chọn ngành theo năng lực, nhu cầu việc làm hay sở thích, đam mê đều tốt, nhưng nếu ngành đó học phí cao quá so với điều kiện chi trả của gia đình thì các em cần cân nhắc kỹ".

“Mặc dù vậy, các em đừng để tài chính hạn chế đam mê bởi hiện có nhiều kênh tài chính từ Bộ GD&ĐT đến các tổ chức, nhà trường; có nhiều cơ sở giáo dục có các chương trình học bổng và nguồn hỗ trợ tài chính khác để giúp thí sinh thực hiện ước mơ với điều kiện, thí sinh có năng lực tốt, tinh thần phấn đấu tốt, luôn có niềm đam mê với học tập và với ngành nghề mình theo đuổi"- PGS.TS Vũ Thị Hiền chia sẻ.

Đọc tiếp