Thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng cao nhất
Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong quân đội. Theo đó, các thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường trong quân đội phải tham gia sơ tuyển và đăng ký tham dự Kỳ thi THPT quốc gia trong năm đăng ký dự tuyển để lấy kết quả xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) theo quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng.
Thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển; nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành. Các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài quân đội hoặc hệ dân sự của các trường quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ, các trường quân đội chỉ xét tuyển đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất). Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện có trách nhiệm thông báo rộng rãi, hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ sơ tuyển. Thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an thì không tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Quốc phòng. Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện chủ động phối hợp với Ban Tuyển sinh Công an cấp huyện để đối chiếu danh sách thí sinh sơ tuyển.
Tuyển nữ không quá 10% tổng chỉ tiêu
Bộ Quốc phòng quy định 3 đối tượng tuyển sinh, bao gồm: Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ có thời gian phục vụ tại ngũ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 4 năm tuyển sinh); quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ quân đội đủ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9 tuyển sinh).
Đối tượng thứ hai là nam thanh niên ngoài quân đội, kể cả quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân và sẵn sàng chiến đấu.
Nam thanh niên ngoài quân đội, kể cả quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, số lượng đăng ký dự tuyển không hạn chế.
Nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân cũng thuộc đối tượng tuyển sinh của các trường quân đội.
Tuy nhiên, các trường quân đội tuyển rất ít đối tượng nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân. Cụ thể chỉ tuyển 10% chỉ tiêu cho các ngành Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và ngành Quan hệ quốc tế về quốc phòng, ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự.
Học viện Kỹ thuật quân sự tuyển không quá 6% trên tổng chỉ tiêu vào đào tạo các ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử Y sinh, Khí tài quang, Địa tin học.
Thí sinh cận thị có cơ hội đăng ký xét tuyển
Ngoài những tiêu chuẩn chung về sức khỏe, Bộ Quốc phòng còn đưa ra một số quy định riêng cho các trường. Các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần gồm học viện Hậu cần, học viện Phòng không - Không quân, học viện Hải quân, học viện Biên phòng và các trường Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng - Thiết giáp, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa tuyển thí sinh cao từ 1,65m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên. Các học viện và những trường đại học này không tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị.
Các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật gồm học viện Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Hệ đào tạo kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không - Không quân; trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Vin-Hem Pich) tuyển thí sinh nam cao từ 1, 63m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên. Những trường và học viên này được tuyển thí sinh (nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị không quá 3 đi-ốp.
Trường Sĩ quan Không quân nếu tuyển sinh phi công chỉ được chọn thí sinh đã được Quân chủng Phòng Không - Không quân tổ chức khám tuyển sức khỏe, kết luận đủ điều kiện xét tuyển vào đào tạo phi công quân sự.