Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Sái Công Hồng khẳng định, cấu trúc đề thi năm 2018 vẫn giữ tỷ lệ như mọi năm với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại thí sinh.
|
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Theo ông Hồng, kỳ thi THPT quốc gia có 2 mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, vì thế đề thi cũng phải bám vào 2 mục đích này. Hiện nay, Cục Quản lý Chất lượng đang thử nghiệm chuẩn hóa, định cỡ các câu hỏi thi, chọn mẫu để làm nguồn cho hội đồng cách ly để có được câu hỏi sát hơn, độ khó, dễ cũng được tính toán phù hợp, vừa để HS cơ bản làm được bài, vừa có phần phân hóa. Khác với năm 2017, đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ có thêm nội dung của lớp 11. Tuy nhiên, đề thi vẫn chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12. Tỷ lệ nội dung lớp 11 chiếm khoảng 20 - 30%, lớp 12 chiếm 70 đến 80%. Nếu các em chỉ lo học câu khó theo như định dạng của các trung tâm luyện thi mà không học 60% câu dễ chưa chắc đã được điểm cao. Đề thi sẽ có 4 nhóm cấp độ, từ dễ đến trung bình, khó và rất khó. Các thí sinh cứ làm tuần tự, từ đầu đến cuối đề, càng về cuối đề càng khó. Do có sự thay đổi về nội dung đề thi THPT quốc gia năm nay nên Bộ GD&ĐT đã sớm công bố đề tham khảo để HS và giáo viên có định hướng ôn tập.
"Hiện nhiều trung tâm, nhà trường tổ chức thi thử với đề thi được đánh giá là khó, chúng tôi khẳng định các trung tâm luyện thi không có cấu trúc đề thi, ngân hàng câu hỏi thi THPT quốc gia, vì thế HS, phụ huynh không nên lo lắng. Bộ cũng không khuyến khích thi thử. Phụ huynh và HS hãy yên tâm vì đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ không ở mức đánh đố. Với kinh nghiệm của tôi làm công tác đề thi, thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể làm được và điểm cao” - ông Hồng khuyên.