Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT từ 4/5-13/5/2022

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị tập huấn về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức, những điểm mới cơ bản của Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022 một lần nữa được quán triệt đến Sở GD&ĐT 63 địa phương và các đơn vị để cùng thống nhất thực hiện.

Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022 về cơ bản giữ ổn định như năm trước trong việc đảm bảo quyền thí sinh, phân cấp cho các địa phương; trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân; quy trình, tiến độ, kết quả thực hiện các khâu; ứng dụng công nghệ thông tin.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

Năm 2022, thí sinh lớp 12 sẽ đăng ký dự thi trực tuyến qua tài khoản là số Căn cước công dân/CMND hoặc mã định danh. Các thí sinh thuộc diện khác sẽ đăng ký trực tiếp tại điểm thi do sở GD&ĐT bố trí.

Phiếu đăng ký dự thi không bao gồm đăng ký xét tuyển đại học và cao đẳng (do khi có kết quả thi tốt nghiệp, thí sinh mới đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng). Tuy nhiên, phần cuối phiếu đăng ký dự thi sẽ có mục tích lựa chọn có hay không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.

Thời gian đăng ký dự thi từ 4/5-13/5/2022. Kỳ thi chính thức diễn ra trong 2 ngày: 7-8/7; ngày 9/7  là ngày thi dự phòng; khung giờ thi được giữ ổn định. Thời gian công bố kết thúc thi sớm hơn 2 ngày so với năm trước, dự kiến sẽ là 24/7/2022.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng với mục đích đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học, lấy kết quả để xét tốt nghiệp phổ thông cho học sinh và đánh giá chất lượng dạy và học để từ đó có những nghiên cứu, điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Tính chất quan trọng của kỳ thi đòi hỏi trách nhiệm của các đơn vị tham gia tổ chức phải vào cuộc, quyết tâm tổ chức một kỳ thi thực sự nghiêm túc, công bằng, minh bạch, trung thực và phản ánh đúng chất lượng của học sinh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, để tổ chức thành công kỳ thi cần có 4 yếu tố quan trọng. Một là, tất cả các thành viên tham gia làm công tác thi phải nắm chắc quy chế thi. Hai là, phải chuẩn bị kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ, kể cả việc xây dựng kế hoạch, các phương án, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 cần phải có phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ coi thi. Ba là, kiểm soát tốt tình hình ở mọi khâu khi tổ chức kỳ thi, dự báo các rủi ro có thể xảy ra. Bốn là, xử lý tốt các tình huống, khi có tình huống xảy ra phải xử lý nhanh và giải quyết dứt điểm.

Nhìn nhận về năm học 2021-2022, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, đây là năm học vô cùng đặc biệt đối với ngành giáo dục. Ngay từ đầu năm học, khi dịch Covid-19 vẫn còn căng thẳng, Bộ GDĐT đã chỉ đạo phải thích ứng linh hoạt để dạy và học. Ba mục tiêu quan trọng của năm học đã được đặt ra là: An toàn về dịch, hoàn thành chương trình theo kế hoạch và kiên trì mục tiêu chất lượng. Theo phương án đã thống nhất với 63 địa phương trong cả nước, toàn bộ học sinh khối 12 sẽ hoàn thành chương trình năm học vào ngày 31/5/2022.

Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, ngày 31/3, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo; ngày 19/4, Bộ ban hành công văn số 1523/BGDĐT-QLCL gửi các Sở GD&ĐT và Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.