Thí sinh điểm gần tuyệt đối thấp thỏm đợi chỉ tiêu tuyển bổ sung

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Một trong những nguyên nhân khiến 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên đã trượt “tất cả các nguyện vọng” đợt 1 được xác định là do hầu hết chỉ đăng ký một nguyện vọng xét tuyển ở trường có điểm chuẩn cao. Đây là bài học không chỉ của riêng 61 thí sinh này mà còn là lời nhắc nhở cho tất cả thí sinh khác tại cơ hội xét tuyển bổ sung.

“Cánh cửa” hẹp hơn nhiều
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: “Xét tuyển ĐH là câu chuyện cạnh tranh; cơ hội trúng tuyển ĐH hoàn toàn nằm trong tay thí sinh”. Theo đó, Quy chế tuyển sinh ĐH hiện hành tạo cơ chế rất mở và thông thoáng để thí sinh lựa chọn nguyện vọng đăng ký; cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Trước kỳ thi, rất nhiều chuyên gia của các trường ĐH, học viện đã đưa ra tư vấn với từng khối ngành; điểm chuẩn 5 năm gần đây; về sự khôn ngoan khi đặt bút ghi nguyện vọng; cân nhắc giữa sở trường và sở thích…, mục đích để các thí sinh sáng suốt nhất khi chọn nguyện vọng và các em được toại nguyện ước mơ về trường ĐH mình mong muốn. Dù vậy, ít nhiều cả thầy và trò đều chưa lường trước tình huống điểm sát tuyệt đối như năm nay vẫn trượt nguyện vọng 1, thậm chí là không đỗ nguyện vọng nào trong đợt 1 và buộc phải chờ đợi cơ hội trong đợt tuyển bổ sung.
 Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021
Các chuyên gia nhận định: Nếu thí sinh xét tuyển bổ sung bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, cơ hội cho các em không nhiều; đồng nghĩa với cánh cửa vào ĐH bị thu hẹp hơn so với lần xét tuyển đầu tiên vì không phải trường nào cũng xét tuyển bổ sung. Ngoài ra, những ngành xét tuyển bổ sung thường là những ngành không tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1. Đợt xét tuyển bổ sung do các cơ sở giáo dục ĐH quyết định. Do đó, thí sinh cần chủ động liên hệ với trường mà mình dự định xét tuyển và tìm hiểu thật kỹ để không bị bỏ lỡ cơ hội.
Đề cập đến số thí sinh đểm từ 27 trở lên không đỗ nguyện vọng nào của đợt 1, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định: “Các em đạt điểm cao vẫn trượt chủ yếu là do các em không đặt nguyện vọng ở ngành thấp hơn. Điều này rất đáng tiếc. Tuy nhiên, các trường còn có nhiều hình thức xét tuyển khác nhau nữa để các em trúng tuyển vào ngành học mình mong muốn”.
Theo TS Cao Xuân Liễu- Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Quản lý Giáo dục), để có cơ hội trúng tuyển vào các trường xét đợt bổ sung, thí sinh cần lưu ý mức điểm nhận hồ sơ, chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của trường đại học mà mình dự định nộp hồ sơ xét tuyển; đồng thời lựa chọn ngành phù hợp với bản thân. Theo Quy chế tuyển sinh, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển với mỗi ngành không được thấp hơn so với mức điểm công bố trúng tuyển đợt 1. Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu điểm trúng tuyển ở đợt 1 của trường đó để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Thận trọng là trên hết
PGS.TS Bùi Thành Nam- Trưởng phòng Đào tạo trưởng ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Đúng là ở đợt xét tuyển bổ sung, cơ hội của thí sinh bị hạn chế nhiều vì chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung thường rất ít. Các thí sinh nộp hồ sơ bổ sung cần tỉnh táo xem xét năng lực thực tế để tạo cho mình nhiều cơ hội hơn; không nên tập trung vào những nhóm ngành quá “hot” như ở lần 1 vì cơ hội sẽ giảm đi”.
“Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn đang tiến hành làm thủ tục xác nhận nhập học cho thí sinh và dự kiến sẽ không tuyển chỉ tiêu bổ sung do đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay ở đợt 1. Nhiều năm nay đều như vậy”- PGS.TS Bùi Thành Nam nói.
Với thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 nhưng đó chưa phải là ngành thích nhất, không phải là ngành muốn học thì có nên nộp nguyện vọng bổ sung ở đợt tới không? Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Thúy Hằng, ĐH Việt Nhật (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Với những thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 3,4 vào trường nhưng lăn tăn vấn đề học phí, chúng tôi đều tư vấn rằng, em có thể đón cơ hội ở các trường khác có mức học phí phù hợp ở đợt tuyển sinh bổ sung”.
 Sinh viên ĐH Việt Nhật (ĐH Quốc gia Hà Nội)
Theo quy định, thí sinh đã trúng tuyển (đợt 1) sẽ phải xác nhận nhập học trước 17 giờ ngày 26/9/2021; sau thời hạn này được xem là từ chối nhập học, tên sẽ bị xóa khỏi danh sách trúng tuyển đợt 1 và xuất hiện trong danh sách những thí sinh xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng cần cẩn trọng khi từ chối quyền nhập học đợt 1, vì ngành và trường mà thí sinh yêu thích rất có thể không còn chỉ tiêu để xét tuyển trong đợt 2. Trường hợp không còn chỉ tiêu thì thí sinh cũng không thể quay về nhập học ở ngành đã trúng tuyển trước đó. Ngoài ra, năm nay chỉ có một phiếu điểm, vì thế thí sinh cần cân nhắc thật kỹ trước khi nộp phiếu điểm, nhập học bởi nếu đã nộp phiếu thì sẽ không rút lại được.
Thời điểm hiện tại có khoảng 20 cơ sở đào tạo đại học đã công bố chỉ tiêu bổ sung theo các hình thức xét tuyển (học bạ, thi tốt nghiệp THPT); trong đó chủ yếu là các trường thuộc phía Nam và điểm nhận hồ sơ đều ở mức trên dưới 20 điểm. Bài toán với 61 thí sinh điểm từ 29,5 điểm trở lên nói riêng và các thí sinh đạt điểm từ 26- 27 trở lên nói chung nhưng chưa đỗ nguyện vọng nào ở đợt 1 càng trở thành vấn đề bức thiết cho thí sinh, phụ huynh và xã hội.