Thí sinh... hoảng hốt vì điểm chuẩn vào các trường Đại học tăng chóng mặt

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều ngày 16/9, hàng trăm cơ sở đào tại ĐH trên cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021. Nhìn vào mức điểm chuẩn cao ngất của các trường, nhiều thí sinh, phụ huynh và thầy cô giáo phải giật mình, ngạc nhiên vì không ít ngành tăng từ 2-4 điểm; thậm chí là tăng 9 điểm so với năm trước.

Các ngành “hot”, điểm chuẩn chót vót
Các ngành học có điểm chuẩn trên tuyệt đối, tuyệt đối hoặc xấp xỉ tuyệt đối luôn khiến mọi người xuýt xoa, ngưỡng mộ. Thu hút sự chú ý nhất trong kỳ tuyển sinh ĐH năm nay là ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị CAND bởi có điểm chuẩn 30,34 điểm với nữ (khối C00); ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao - ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) với 30,5. Mức điểm này được coi là kỷ lục bởi nếu đối sánh thì Thủ khoa khối C00 năm 2021 (tổng điểm thi 29,25) cũng không thể trúng tuyển nếu không có điểm ưu tiên đối tượng và khu vực.
Vẫn giữ mức ổn định ở điểm chuẩn tuyệt đối như năm trước, ngành Hàn quốc học (khối C00) của trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiếp tục lấy điểm chuẩn 30. Một số ngành khác thuộc trường này có điểm chuẩn khối C00 cũng ở mức gần tuyệt đối là: Đông phương học (29,8 điểm), Quan hệ công chúng (29,3 điểm); Báo chí (28,8 điểm).
Ở nhóm ngành Luật, dẫn đầu là điểm chuẩn vào ngành Luật Kinh tế (khối C00) của trường ĐH Luật Hà Nội với 29,25 điểm. Ngành Quan hệ công chúng, chuyên ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp có điểm chuẩn cao nhất tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền với 38,07 điểm khối D78, R26 (theo thang 40 điểm).
 Ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao- ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) lấy điểm cao ký lục với 30,5
Bên cạnh đó, điểm chuẩn ngành “hot” là Công nghệ thông tin của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cao nhất là 28,43 (ngành Khoa học máy tính). Còn ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin tới 28,75 điểm.
Tổ hợp thi có ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh năm nay đươc cho là có điểm chuẩn tăng đột biến. Với khối trường đào tạo kinh tế, điểm chuẩn rất cao: Trường ĐH Ngoại thương lấy từ 28,05 đến 28,55 với các ngành tính theo thang 30 và 36,75 đến 39,35 với ngành theo thang 40. ĐH Kinh tế quốc dân có điểm chuẩn ngành Logitics và quản lý chuỗi cung ứng cao nhất với 28,3 điểm. Điểm chuẩn các ngành: Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Marketting, Kiểm toán đều trên 28 điểm.
Khối các trường Y – dược điểm chuẩn được cho là ổn định, từ 26 điểm với ngành “hot”. Khối Ngoại ngữ, có trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội mức điểm chuẩn cao nhất là 38,45 đối với ngành Sư phạm tiếng Anh, sau đó là ngành Sư phạm tiếng Trung với 38,32 điểm, ngành Sư phạm tiếng Hàn Quốc với 37,7 điểm, ngành Sư phạm tiếng Nhật với 37,33 điểm. Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc (ĐH Hà Nội) có điểm chuẩn cao nhất với 37,55 điểm; xếp sau đó là các ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật - đều ở mức trên 36 điểm (ngoại ngữ nhân 2)
Các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm tiếng Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội) không biến động nhiều so với năm trước, phổ biến ở tầm 28 điểm. Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn các nhóm ngành tăng cao. Trường ĐH Hồng Đức, ngoài Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao lấy 30,5 thì Sư phạm Lịch sử chất lượng cao cũng lấy 29,75. 
Điểm chuẩn tăng cao, vấn đề nằm ở đâu?
Tại ĐH Sư phạm Hà Nội, ngành Giáo dục chính trị có điểm chuẩn tăng đột biến tới tận 9 điểm. Ngành Giáo dục công dân cũng tăng đến 6,75 điểm. Tại ĐH Giáo dục, ngành Giáo dục mầm non có mức điểm chuẩn lên tới 25,05 điểm (tăng 5.8 điểm).
Nhìn vào điểm chuẩn của trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội năm nay, nhiều sinh viên đang theo học tại đây phải “giật mình” về mức độ nhảy vọt của điểm chuẩn. Theo đó, ba ngành: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Marketing; Ngôn ngữ Anh tăng đến 9 điểm. Bảy ngành khác tăng từ 8 điểm trở lên là: Quản trị Kinh doanh; Quản trị khách sạn; Kế toán, Quản trị Dịch vụ du lịch & lữ hành; Bất động sản; Luật, Công nghệ thông tin. Điểm tăng vọt đầy bất ngờ khiến nhiều thí sinh ghi nguyện vọng “chống trượt” vào ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhưng rồi vẫn... trượt vì điểm thi không lại với điểm chuẩn năm nay.
Bàn về điểm chuẩn năm 2021 tăng hơn so với năm trước, các chuyên gia cho rằng đây là điều không bất ngờ, đã được lường trước bởi số lượng thí sinh năm nay nhiều hơn mọi năm, đề thi tốt nghiệp THPT được cho là ‘dễ thở’ hơn; đặc biệt với các tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh. Một nguyên nhân quan trọng hơn cả, đó là các trường đại học ngày càng đa dạng về phương thức xét tuyển.

 ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội năm nay nhiều ngành tăng 8-9 điểm
Bà Vũ Thị Hiền- Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường ĐH Ngoại thương nhận xét, điểm chuẩn các ngành học của trường đều tăng và tăng đều khoảng 1 điểm so với năm ngoái, một phần có lẽ cũng bởi mặt bằng chung điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm nay cao hơn.
Theo ông Lại Quốc Khánh - Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), căn cứ để xác định điểm chuẩn của các trường vẫn là dựa trên các yếu tố như chỉ tiêu của ngành/khối thi; số nguyện vọng đăng ký, kết quả thi… Năm nay, điểm chuẩn của trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tăng do nguyện vọng đăng ký, sức hấp dẫn của các ngành và uy tín đào tạo của nhà trường đều tăng cao.
Đặt vấn đề về việc điểm chuẩn cao như vậy, đề thi liệu có quá “dễ thở” dẫn đến việc không đảm bảo tính phân loại thí sinh, ông Lại Quốc Khánh bày tỏ: Mặt bằng điểm thi, phổ điểm thi đều tăng cũng đặt ra vấn đề về tính chất đề thi. Thiết nghĩ, những người có trách nhiệm hoặc chuyên gia ở khâu ra đề cũng nên thẩm định, xem xét kỹ hơn đối với đề thi năm sau để đảm bảo phân hóa thí sinh”.
Về việc thí sinh thi tổ hợp có môn tiếng Anh có lợi vì điểm tiếng Anh năm nay tăng cao, ông Lại Quốc Khánh cho rằng, điểm thi tiếng Anh cao chứng tỏ qua thời gian hội nhập, đổi mới, chất lượng đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam đã tăng lên, đó là tín hiệu rất đáng mừng.
Nhìn theo chiều hướng khác, bà Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân nêu: Tiếng Anh cũng là một môn trong tổ hợp thi; có vai trò như các môn học khác. Nếu thí sinh có năng lực tiếng Anh điểm tiếng Anh cao thì thí sinh có năng lực Toán, Hóa, Sinh, Ngữ văn… cũng sẽ đạt điểm thi môn đó cao. Vì vậy không nên xét đến yếu tố "có lợi" hay "bất lợi" về các tổ hợp thi ở đây.
Đề cập đến điểm chuẩn ĐH Kinh tế quốc dân năm nay, Phó Hiệu trưởng Trần Thị Vân Hoa cho biết, điểm chuẩn trung bình vào trường tăng 2 điểm so với năm trước và khá đồng đều ở các ngành. “Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các trường ĐH đổi mới phương thức xét tuyển; ngoài điểm thi tốt nghiệp còn có các phương thức khác là xét tuyển học bạ và xét tuyển kết hợp (dựa vào kết quả thi và chứng chỉ Ngoại ngữ, học sinh trường chuyên…). Như ĐH Kinh tế quốc dân năm trước lấy 20% chỉ tiêu xét tuyển kết hợp thì năm nay tăng lên 50% chỉ tiêu theo phương thức này. Tổng chỉ tiêu không tăng hoặc tăng không đáng kể trong khi lấy nhiều chỉ tiêu theo phương thức khác, do vậy điểm chuẩn tăng là tất yếu”- bà Trần Thị Vân Hoa nói.
Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân Trần Thị Vân Hoa khuyến cáo, học sinh từ năm nay trở về sau nên nhìn vào điểm chuẩn năm 2021 để thay đổi nhận thức, định hướng trong học tập; cũng như trong việc chọn ngành, chọn trường bởi ngoài điểm thi tốt nghiệp thì quá trình rèn luyện ở bậc THPT; việc tăng cường học ngoại ngữ, thi chứng chỉ, thi học sinh giỏi… có vai trò rất quan trọng và làm tăng cơ hội của các em vào các trường ĐH tốp đầu.