Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thí sinh, phụ huynh kể chuyện “chốt” trường vào lớp 10

Kinhtedothi - Kỳ thi lớp 10 năm học 2025 – 2026 tại Hà Nội dần khép lại, đa số học sinh đã chốt được ngôi trường mình tiếp tục theo học ở bậc THPT. Tuy nhiên, vẫn có số ít em, hoặc đỗ nhiều nguyện vọng, hoặc không đỗ nguyện vọng nào, vẫn đang xuôi ngược tìm kiếm, tính toán để “chốt” trường.

Đau đầu vì… đỗ nhiều trường

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, chỉ tính riêng kỳ thi lớp 10 do Sở GD&ĐT tổ chức, có 2 học sinh đỗ đến 6 nguyện vọng (NV) gồm các NV chuyên, NV công lập không chuyên và NV vào lớp song ngữ.

Tại kỳ thi lớp 10 công lập, có 2 học sinh đỗ 6 nguyện vọng.

Ngoài 2 học sinh nêu trên, có rất nhiều em đỗ từ 2 NV trở lên. Chưa kể, các học sinh còn tham dự nhiều kỳ thi vào các trường THPT chuyên trực thuộc đại học trước đó (chuyên Khoa học Tự nhiên, chuyên Sư phạm, chuyên Ngoại ngữ, chuyên Khoa học xã hội & nhân văn) cũng như kỳ thi đánh giá năng lực vào các trường tư thục tốp đầu. Như vậy, nếu tham gia đầy đủ các kỳ thi lớp 10, có học sinh đỗ ngót 10 NV vào các trường THPT thuộc nhiều loại hình.

Trong khi đó, mỗi học sinh chỉ được nhập học vào một trường THPT duy nhất nên dù đỗ nhiều trường, nhiều NV, các em và phụ huynh vẫn phải đưa ra quyết định lựa chọn một trường/một NV để làm thủ tục nhập học theo quy định.

“Em thích chuyên toán và cùng lúc đỗ chuyên toán của chuyên Khoa học tự nhiên, chuyên Sư phạm và chuyên Hà Nội – Amsterdam. Thời điểm tra cứu kết quả, em vỡ oà trong niềm hạnh phúc vì bao công sức ôn luyện đã được đền đáp xứng đáng. Tuy vậy, khi nâng lên đặt xuống để chọn trường thì quả thật rất khó khăn. Sau khi cân nhắc, em quyết định chọn chuyên toán của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên vì thấy phong cách dạy của trường phù hợp với mình”, em Nguyễn Bảo chia sẻ.

Có con trai thi đỗ chuyên Anh vào 3 trường: THPT chuyên Ngoại ngữ, THPT chuyên sư phạm và THPT chuyên Chu Văn An, anh Ngô Văn Khánh (phường Yên Hoà) rất mừng và ngay lập tức đặt ra bài toán chọn trường nào. Sau khi phân tích đặc điểm của từng trường, gia đình anh Khánh kết luận là trường nào cũng tốt nhưng tiêu chí đưa ra là gần nhà, phù hợp nguyện vọng của con. “Gia đình đã chọn chuyên Ngoại ngữ và coi đây là bệ phóng để con nuôi dưỡng ước mơ”, anh Khánh chia sẻ.

Không giống 2 trường hợp ở trên, chị Nguyễn Thị Hoa (phường Đại Mỗ) cho biết, con chị đỗ chuyên Sơn Tây và THPT Kim Liên. Nếu học chuyên thì con phải đi xa, nhưng sẽ có nhiều lợi thế khi xét tuyển đại học, môi trường tốt, được học chuyên sâu. Tuy nhiên, Kim Liên là trường công lập chất lượng, có bề dạy truyền thống, nơi học sinh được phát triển toàn diện, điểm xét tuyển dẫn đầu TP. Lợi thế lớn nhất mà THPT Kim Liên mang lại cho con chị Hoa, đó là con có thể đi bộ đến trường. Và đây là lý do thuyết phục để vợ chồng chị Hoa và con chọn Kim Liên.

Bải hoải tìm chỗ học

Đối lập với các em đỗ cùng lúc nhiều NV hay nhiều chuyên, có không ít học sinh và phụ huynh hiện vẫn đôn đáo tìm trường. Nhóm học sinh này chủ yếu trượt NV1; có một số em trượt NV1, đỗ NV2 hoặc trượt NV 1, NV2, đỗ NV3; số ít em trượt cả 3 NV công lập.

Thí sinh dự thi lớp 10 năm học 2025 - 2026.

“Tổng điểm xét tuyển của con là 18 và trượt tất cả các NV đã đăng ký. Trước đó, gia đình chủ quan không đi giữ chỗ hoặc nộp hồ sơ trường tư thục nên hiện như ngồi trên đống lửa. Học sinh trúng tuyển đã nhập học; các trường tư cơ bản cũng hoàn tất công tác tuyển sinh cho năm học tới nên nếu không có cơ hội học trường công, gia đình sẽ đăng ký cho con học trường nghề”, anh Nguyễn Ngọc Hùng, phường Dương Nội cho biết.

Em Nguyễn Thị Mai Anh cũng trượt NV1 và đang nuôi hy vọng sẽ đủ điểm để được theo học 1 trong 3 trường THPT công lập nội đô mới xây dựng xong, chuẩn bị đi vào hoạt động trong thời gian tới.

“Em được biết, tới đây Hà Nội sẽ đưa 3 trường công lập mới đi vào hoạt động và sẽ công bố thông tin tuyển sinh trong thời gian tới. Em trượt NV1, trường NV2 cách nhà 15 cây số, quá vất vả cho quãng thời gian THPT nên em đang chờ thông tin tuyển sinh của trường mới để đến nộp hồ sơ”, Mai Anh nói.

Trượt NV1 và NV2 thiếu 0,25 điểm, em Nguyễn Thu Hà, phường Láng đang sống trong tâm trạng sốt ruột. “Em rất mong được đi học trường công lập đúng tuyến và rất hy vọng trường NV2 hạ điểm chuẩn để có cơ hội học tập tại trường. Em đã rất nỗ lực và cố gắng suốt thời gian qua”, Nguyễn Thu Hà bộc bạch.

Còn em Hoàng Tuấn Anh, phường Khương Đình cho hay, em sẽ đi học trường cách nhà khoảng hơn 40 cây số. Tại kỳ thi lớp 10 năm nay, Tuấn Anh đăng ký NV3 vào trường ở quê ngoại. Ban đầu, em chỉ nghĩ đó là phương án dự phòng. Tuy vậy, giờ em trượt NV1 và NV2 nên em đành học trường NV3. Em cho biết, sẽ đi xe bus, mỗi ngày đến trường mất khoảng hơn 1 tiếng di chuyển.

Kỳ thi lớp 10 THPT tại Hà Nội luôn được đánh giá là kỳ thi đầy căng thẳng, áp lực. Năm học 2025 – 2026, toàn TP có hơn 103.000 thí sinh tham gia dự thi. Theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, 119 trường THPT công lập trên địa bàn TP tuyển khoảng 80.000 chỉ tiêu (chiếm tỷ lệ 64%), tăng 3% so với năm trước. Số còn lại (xấp xỉ 23.000 em), nếu tiếp tục học chương trình THPT sẽ theo học tại các loại hình trường khác (tư thục, tự chủ tài chính, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường nghề).

Với đa dạng loại hình giáo dục và trường học, Hà Nội đảm bảo 100% học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học tiếp chương trình THPT đều có chỗ học.

Trích dẫn
thi

Sau khi Hà Nội công bố điểm thi và điểm chuẩn lớp 10, nếu có thắc mắc, thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo từ 5 – 11/7. Học sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học trực tuyến từ 10 – 12/7. Ngày 17/7, Hà Nội xét điểm chuẩn bổ sung cho các trường (nếu có). Thí sinh trúng tuyển bổ sung nhập học trực tiếp từ 19– 22/7. Ngày 28/7, Hà Nội công bố kết quả phúc khảo. Thí sinh trúng tuyển sau phúc khảo nhập học ngày 30/7.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Sức hút đặc biệt của ngành giáo dục mầm non

Sức hút đặc biệt của ngành giáo dục mầm non

12 Jul, 05:01 AM

Kinhtedothi - Giáo dục mầm non là một ngành sư phạm đặc thù bởi đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục chính là trẻ em - những mầm xanh tương lai của đất nước. Tuy là ngành học đòi hỏi nhiều tâm sức và đặc biệt vất vả, nhưng sức hút của nghề này lại vô cùng mạnh mẽ theo cách rất riêng.

Tự chủ đại học – Cơ hội nào để phát triển?

Tự chủ đại học – Cơ hội nào để phát triển?

11 Jul, 09:33 PM

Kinhtedothi - Ngày 11/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Tự chủ đại học – Cơ hội nào để phát triển?" nhằm nhận diện những điểm nghẽn, thách thức và cơ hội trong quá trình đổi mới giáo dục đại học.

Bắc Ninh rà soát nhu cầu chuyển trường cho con cán bộ, công chức sau sáp nhập hành chính

Bắc Ninh rà soát nhu cầu chuyển trường cho con cán bộ, công chức sau sáp nhập hành chính

11 Jul, 03:40 PM

Kinhtedothi - Nhằm chuẩn bị tốt cho năm học mới 2025-2026, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bắc Ninh đang khẩn trương rà soát nhu cầu chuyển trường cho con em cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn phường Bắc Giang.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ