Chiều 16/3, bên lề Hội nghị tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ vào các trường công an, Phó Giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) giải đáp những thắc mắc của thí sinh về kỳ thi THPT Quốc gia.
Thí sinh: Việc quy chế tuyển sinh 2017 có những thay đổi so với các năm trước liệu có ảnh hưởng đến khả năng dự liệu cũng như công tác chuẩn bị đăng ký xét tuyển của học sinh và phụ huynh hay không?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Việc đăng ký xét tuyển như trong phương án tuyển sinh, có nhiều thuận lợi cho thí sinh như được đăng ký nhiều nguyện vọng, được xét theo thứ tự ưu tiên, đăng ký sơ bộ rồi có kết quả vẫn tiếp tục được điều chỉnh.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, chủ yếu là dành cho các trường như tỷ lệ thí sinh ảo cao hơn và quản lý khó khăn hơn. Để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường ứng dụng CNTT trong việc đăng ký xét tuyển, khai thác kênh đăng ký xét tuyển trực tuyến. Trong trường hợp không thể đăng ký xét tuyển trực tuyến thì mới nghĩ đến việc đăng ký theo cách truyền thống.
Thí sinh: Liệu các phần mềm của Bộ GD-ĐT có đảm bảo không trục trặc, nhất là tình trạng nghẽn mạng khi thí sinh đăng kí xét tuyển, tra cứu điểm thi… không ạ?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Từ năm 2015, ở một giai đoạn, đúng là có xảy ra tắc nghẽn mạng tra cứu điểm thi và xét tuyển. Những năm 2016, chúng tôi đã thay đổi và nâng cấp phần mềm tra cứu. Việc công bố kết quả thi cũng đã được giao cho các hội đồng thi gồm 7 hội đồng thi Đại học và 50 Hội đồng thi tốt nghiệp PTTH.
Năm 2016, không có tình trạng tắc nghẽn và chỉ trong mấy tiếng là xong việc công bố và tra cứu điểm thi. Năm nay cũng sẽ thế, sau khi chấm thi xong, chúng tôi upload điểm thi lên phần mềm, thực hiện đối sánh để đảm bảo tuyệt đối chính xác, không sai sót. Từ đó, các Sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả. Thí sinh có thể tra cứu hoặc xem điểm thi tại trường.
Thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng
PV: Tại sao năm nay, Bộ GD-ĐT lại yêu cầu thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH cùng lúc với đăng ký dự thi THPT quốc gia?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Nếu chúng ta nhìn một cách có hệ thống một chút về quá trình và lịch sử của việc tuyển sinh thì sẽ thấy, từ năm 2014 trở về trước, thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH trước khi kỳ thi diễn ra và không được thay đổi nguyện vọng.
Năm 2015 và 2016, chúng ta bắt đầu tổ chức kỳ thi quốc gia, tức là sau khi có kết quả thi, thí sinh mới đăng ký xét tuyển. Điều này giúp thí sinh hạn chế được rủi ro trong quá trình xét tuyển ĐH. Nhưng trong thời gian ngắn thực hiện xét tuyển ĐH thì có những áp lực nhất định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu, tạo ra những sai sót.
Kế thừa ưu điểm của cả 2 phương thức nói trên, Bộ GD-ĐT thay đổi đăng ký xét tuyển cho năm nay để có cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển chuẩn.
Sau khi có kết quả thi, thí sinh có thể một lần nữa xem lại kết quả bài thi của mình và nếu thấy không ổn thì có thể thay đổi. Như vậy, số lượng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sẽ không nhiều và giảm được sai sót. Người có lợi là thí sinh nên tôi khuyên các thí sinh nên cân nhắc kỹ, không đăng ký quá nhiều nguyện vọng.
PV: Nếu học sinh đăng ký cả hai tổ hợp mà không dự thi một tổ hợp thì có ảnh hưởng gì không, thưa ông?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Thí sinh cần xác định mục đích thi tuyển. Nếu thí sinh muốn thi để lấy kết quả xét tuyển tốt nghiệp thì thí sinh cần thi 4 môn, trong đó có 3 môn thi bắt buộc và một môn thi tự chọn. Nguyên tắc xét tốt nghiệp sẽ lấy tổ hợp thi có điểm tốt hơn và không có điểm liệt. Như vậy, thí sinh cần dự thi đủ số môn để tạo thành một tổ hợp đủ điều kiện xét tốt nghiệp.
Lưu ý là nếu trong tổ hợp môn xét tuyển có điểm liệt thì thí sinh sẽ không được xét tốt nghiệp và không được xét tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học.
Trường hợp học sinh thi được một môn (trong ba môn thành phần của bài thi tổ hợp) thì đột ngột bị ốm thì sẽ được xem xét đặc cách khi các môn đã dự thi đạt từ 5 điểm trở lên. Kết quả trong quá trình học tập đạt trung bình trở lên và có hạnh kiểm khá.
PV: Xin cảm ơn ông!