Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường bán lẻ nội địa: Doanh nghiệp Việt liên kết để tồn tại

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự lấn sân và liên tục mở rộng quy mô của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, để tồn tại các nhà bán lẻ Việt Nam bên cạnh việc phải ứng dụng khoa học công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại… cần đẩy mạnh liên kết nâng cao sức cạnh tranh với DN nước ngoài.

Khó chen chân vào hệ thống phân phối ngoại
Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, vì vậy đã thu hút nhiều DN bán lẻ nước ngoài  như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)... đầu tư khai thác. Ông Konishi Yukio - Tổng Giám đốc Aeon mall cho biết: Tại Việt Nam, Aeon mall đang có 3 siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hà Nội, 59 siêu thị liên kết với hệ thống siêu thị Citimart, Fivimart và 75 cửa hàng mini shop. Gần đây nhất, hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã chính thức có mặt tại Việt Nam, dự kiến trong 3 năm tới, tập đoàn này sẽ nâng số cửa hàng tại Việt Nam lên 100 và 10 năm tới là 1.000 cửa hàng. Cũng đặt tham vọng chiếm lĩnh thị phần tiêu thụ tại Việt Nam còn có Tập đoàn Central Group, Lotte, Robinson…

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị  VinMart. Ảnh: Chiến Công

Thực tế cho thấy, mặc dù các DN bán lẻ quốc tế khi đầu tư vào thị trường Việt Nam đều tuyên bố tạo điều kiện cho DN đưa hàng Việt vào siêu thị tiêu thụ,  nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Phó Chủ tịch Hiệp hội các DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, hệ thống phân phối ngoại thường thắt chặt đầu vào bằng những quy định gắt gao về quản lý, chất lượng, mẫu mã bao bì... Ngoài ra, DN nước ngoài thường thanh toán chậm 30 - 45 ngày sau khi nhận hàng, điều này gây khó cho DN nhỏ và vừa Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn vốn quay vòng. Bên cạnh đó, mức chiết khấu của các siêu thị ngoại cao hơn siêu thị trong nước, đồng thời DN phải trả hàng loạt chi phí gồm chi phí kê khai sản phẩm mới và chi phí thuê mướn quầy kệ cũng quá cao khiến nhiều DN trong nước phải bỏ cuộc...                                          
Xây dựng kênh phân phối đối trọng
Để tăng khả năng cạnh tranh, nhiều DN bán lẻ Việt không ngừng phát triển hệ thống, áp dụng công nghệ mới, đặc biệt đẩy mạnh liên kết, từ đó tạo ra đối trọng với hệ thống bán lẻ nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, hệ thống Co.opmart đang chạy thử một số hạng mục dựa trên nền tảng công nghệ như thanh toán tự động ở phân khúc cao, phát triển phục vụ đa kênh. Ngoài bán lẻ theo phương thức truyền thống, Co.opmart đang trong giai đoạn hoàn chỉnh kênh bán hàng online. Dự kiến năm 2019 phương thức bán hàng này sẽ chính thức đưa vào hoạt động.
Mới đây, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR) đã đề xuất Chính phủ thành lập một tập đoàn bán lẻ trên cơ sở “bắt tay” của 4 DN bán lẻ hàng đầu của Việt Nam với doanh thu đến 4 - 5 tỷ USD/năm. Đó là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op), Tập đoàn Phú Thái (PhuThai Group), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch AVR nêu rõ: Đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được khởi động. Ngay từ năm 2007, 4 DN này đã liên kết thành lập Công ty CP Đầu tư Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA). Tuy vậy, VDA thất bại khi cơ chế, chính sách không đồng bộ như về chính sách đất đai, một số địa phương sẵn sàng ủng hộ mặt bằng, một số địa phương thì không. Mặt khác, khi VDA vừa hình thành thì Nhà nước có chủ trương không cho đầu tư ngoài ngành. Do đó Satra và Hapro phải thoái vốn. Khi 2 DN lớn thoái vốn, 2 DN thành viên còn lại không đủ tiềm lực phát triển. Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Hapro cho biết: Hiện 4 DN này đang kêu gọi thành lập một tập đoàn bán lẻ theo hướng mọi thành phần đều có thể tham gia, ai bỏ vốn nhiều sẽ điều hành tập đoàn. Bên cạnh đó, thành lập hệ thống siêu thị nông nghiệp, nông dân khi vào siêu thị này sẽ mua được tất cả từ con giống, phân bón đến thức ăn, máy móc...
Khi nói đến việc DN bán lẻ bắt tay thành lập tập đoàn bán lẻ đủ mạnh đối chọi với DN nước ngoài, TS Đào Xuân Khương - chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ nêu rõ: Ở nhiều quốc gia đều có những tập đoàn bán lẻ cỡ lớn định hướng cho bán lẻ chuyên nghiệp, xâm nhập thị trường mới để khai thông cho hàng hóa nước họ vào tiêu thụ chứ không để một mình DN tự đi tìm thị trường xuất khẩu. Điều đó cho thấy việc thành lập một tập đoàn bán lẻ quy mô cấp quốc gia, có trình độ và tầm nhìn quốc tế là điều cần thiết. “Trước mắt để hoạt động hiệu quả có thể làm theo mô hình của VinMart+ hay Thế Giới Di Động đã làm. Ngoài ra có thể tập trung đầu tư cho Saigon Co.op để đơn vị này đi đầu, xây dựng thành một tập đoàn lớn mạnh, từ đó phát huy được sức mạnh và vị trí của bán lẻ Việt Nam để hỗ trợ DN sản xuất quảng bá, tiêu thụ hàng Việt” - TS Đào Xuân Khương đề xuất.