Tiềm năng lớn
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2012 đạt trên 2,32 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011. Trong tháng 1/2013 chỉ số này đạt 209,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này cho thấy, ngành bán lẻ của Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng khá cao trong khi kinh tế có nhiều khó khăn.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ: Với 90 triệu dân, trong đó dân số trẻ, những người thường xuyên mua sắm trên các kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 50%, Việt Nam vẫn là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trong khi đó, kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 20%, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ này lên 45%, vì vậy cơ hội khai thác thị trường này còn rất lớn.
Thị trường Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước. Trong ảnh: Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại Siêu thị Fivimart.Ảnh: Thu Hương
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, trong năm 2012, ngoài các nhà bán lẻ lớn đã kinh doanh lâu năm tại Việt Nam, một số nhà bán lẻ mới đã bắt đầu vào Việt Nam đầu tư như: Công ty Lotte Mart tăng mức đầu tư vào Việt Nam với số vốn 50 triệu USD. Takashimaya - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, cũng đã công bố dự án trung tâm mua sắm Aeon Tân Phú Celadon tại TP Hồ Chí Minh với mức đầu tư 109 triệu USD. Tập đoàn E - Mart (Hàn Quốc) đã ký kết thiết lập liên doanh bán lẻ với Tập đoàn U&I tại Việt Nam với vốn đầu tư ban đầu 80 triệu USD…
Báo cáo nghiên cứu về "Dự báo thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2014" của Tổ chức tư vấn AT Kearney (Mỹ) cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đầy sức hút nhờ quy mô thị trường và số lượng người tiêu dùng lớn. Dự báo, từ nay đến năm 2014, doanh số bán lẻ tại Việt Nam có thể tăng 23%/năm.
Việc các DN nước ngoài tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống bán lẻ bất chấp kinh tế khó khăn, sức mua đi xuống cho thấy thị trường Việt Nam thật sự hấp dẫn.
Tăng tốc mở rộng
Trong thời gian gần đây không chỉ các DN bán lẻ nước ngoài mới đẩy mạnh đầu tư mà các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đang từng bước mở rộng hệ thống chuỗi của mình. Chỉ trong vài tháng cuối năm 2012, Công ty Viễn Thông A đã cho ra mắt 9 trung tâm Smartphone, dự kiến trong năm 2013 Viễn Thông A sẽ phát triển các trung tâm này thành hệ thống lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng hóa tại Siêu thị BigC.Ảnh: Thu Hương
Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ đã kéo theo sự tham gia của một vài cái tên mới, cuối tháng 12/2012, Tập đoàn C.T Group đã khai trương siêu thị S.Mart, dự kiến trong năm 2013 C.T Group sẽ phát triển mạnh hệ thống siêu thị này trên toàn quốc.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết: Trong năm 2013, Fivimart sẽ đưa vào sử dụng 5 siêu thị tại các vị trí trung tâm của Thủ đô. Theo ông Quách Cường, Giám đốc khu vực phía Bắc của Saigon Co.op, kế hoạch đến năm 2015 đơn vị sẽ phát triển chuỗi siêu thị mang thương hiệu Co.opMart lên con số 100 trên toàn quốc, trong đó chú trọng phát triển mạng lưới bán lẻ ra vùng ven đô.
Việc các DN bán lẻ trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống bán lẻ cho thấy thị trường Việt Nam thật sự hấp dẫn. Tuy nhiên, để thúc đẩy các DN bán lẻ đẩy mạnh đầu tư các nhà quản lý cần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng; giảm thiểu thủ tục hành chính… có như vậy, mới góp phần minh bạch hóa và tạo điều kiện giúp DN có môi trường hoạt động tốt hơn.
Về phía các DN, để phát triển cần hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa; đẩy mạnh sự liên kết giữa DN sản xuất với DN phân phối và giữa các nhà phân phối với nhau, từng bước phát triển hệ thống phân phối hiện đại có tính toàn cầu. Ngoài ra, việc kết hợp giữa bán lẻ hiện đại với bản lẻ truyền thống từ đó tạo ra kênh phân phối hữu hiệu cho hàng Việt cũng rất cần đẩy mạnh trong thời gian tới.