Trạng thái thị trường dần ổn định
Những nỗ lực từ nhiều phía (Chính phủ, các bộ ngành, hệ thống ngân hàng, bản thân DN BĐS…) đã góp phần tích cực nhằm giữ thị trường BĐS không bị rơi vào tình trạng “mất phanh”. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu được thẩm thấu. Cụ thể, lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng dần theo thời gian, theo số liệu thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, tổng giao dịch quý I, II, III/2023 lần lượt là 2.700, 3.700 và 6.000 sản phẩm.
Bên cạnh đó, số lượng DN BĐS quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường BĐS phục hồi tốt. Tính đến cuối tháng 9/2023, có 1.721 DN BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 9 tháng, số lượng DN thành lập mới trong lĩnh vực BĐS gấp 3,5 lần số lượng DN BĐS giải thế với 3.394 DN nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022.
“Nhìn nhận một cách khách quan, thị trường bắt đầu xuất hiện thêm nhiều điểm sáng trong bức tranh tổng thể, đó là những địa phương kinh tế phát triển, được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Thêm nhiều địa phương tích cực vào cuộc, chung tay gỡ rối cùng DN BĐS như Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai… Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận. Vì thế, thực trạng sức khỏe của các DN BĐS đã có dấu hiệu được cải thiện, mặc dù chưa phải hoàn toàn và trên diện rộng” – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam, bước sang quý III và tháng đầu tiên của quý IV/2023, trạng thái hoạt động của thị trường BĐS tương đối ổn định. Cụ thể, BĐS công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì sự hấp dẫn khi thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước, ghi nhận sự quan tâm mới của một số nhà đầu tư đến từ Mỹ; BĐS nghỉ dưỡng chưa có cơ hội “trở mình” do Nghị định 10/2023/NĐ-CP chưa phát huy được nhiều tác dụng, nhưng lại ghi nhận động thái tích cực từ một số địa phương như Khánh Hòa với việc ban hành quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel trên đất thương mại, dịch vụ;
Đặc biệt, hoạt động M&A vẫn duy trì được sự quan tâm. Một số chủ đầu tư thay vì nhu cầu chuyển nhượng toàn bộ dự án đã cố gắng theo đuổi bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện dự án; Nhiều dự án phù hợp với nhu cầu của người dân tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ... được triển khai; Thị trường bắt đầu xuất hiện các nhóm nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc “săn BĐS giá hời” để chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng trưởng mới trong thời gian tới. Điều đó chứng tỏ “sức khỏe” của thị trường BĐS đã có dấu hiệu được cải thiện.
Tiếp tục đẩy nhanh gỡ nút thắt về pháp lý
Theo đánh giá, mặc dù thị trường đã ở trạng thái giữ ổn định, nhưng thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, như vấn đề về pháp lý, đến thời điểm hiện tại các bộ luật sửa đổi liên quan vẫn chưa được thống nhất thông qua. Trong khi đó, DN BĐS còn hoạt động, tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn do không bán được hàng, huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng, cũng không huy động được nguồn vốn từ các kênh tài chính quen thuộc: trái phiếu, tín dụng ngân hàng…
Số liệu thống kê từ Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) trong quý III/2023, mỗi tháng vẫn có khoảng 107 DN BĐS rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch BĐS: 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự chờ thị trường BĐS sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, quá trình thực thi chính sách “giải cứu” thị trường chủa Chính phủ ở một số địa phương chưa thực hiện quyết liệt và đạt hiệu quả như kỳ vọng. Cụ thể, qua khảo sát từ hơn 500 DN BĐS của VARS, có tới 50% DN được khảo sát cho biết, cơ quan quản lý tại địa phương đã bắt đầu tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS; 14% cho biết các hoạt động này đã mang lại kết quả cụ thể, các dự án căn bản đã xác định được hướng giải quyết. Tuy nhiên có tới 36% DN được khảo sát đánh giá, chính quyền địa phương nơi họ hoạt động kinh doanh mới dừng ở mức tiếp nhận thông tin, chưa có động thái hỗ trợ cụ thể.
Ngoài ra, 2/3 DN cho biết, chính quyền địa phương nơi DN hoạt động kinh doanh đã có động thái tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách. Nhưng chỉ có gần 15% DN đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, bao gồm công tác giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất,.... đạt mức độ hiệu quả, rất hiệu quả; 28% đánh giá việc thực hiện các chương trình tiếp cận vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ xúc tiến, kết nối là không hiệu quả, rất không hiệu quả. Một số địa phương có hoạt động điều hành, hỗ trợ DN được đánh giá cao như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh...
“Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, 50% DN cho biết họ gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai; vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng với lần lượt 21%, 22% DN được khảo sát lựa chọn. Vì vậy, để thị trường có thể phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, rất cần Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung vào vấn đề tháo gỡ nút thắt về pháp lý” – Phó Chủ tịch VARS Nguyễn Chí Thanh cho hay.