70 năm giải phóng Thủ đô

Thị trường bất động sản cuối năm 2021: Chưa thể phục hồi

Doãn Thành - Tiểu Thúy - Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến, nay thị trường bất động sản (BĐS) phải hứng chịu những “đòn đánh” liên tiếp của đại dịch Covid-19. Mặc dù các chủ đầu tư linh hoạt thay đổi hình thức bán hàng, hoạt động giao dịch vẫn diễn ra nhưng kết quả không cao. Sự ảnh hưởng này dự báo sẽ còn tiếp diễn trong quý IV/2021, kể cả trong tình huống khống chế được dịch, thị trường chưa thể phục hồi trở lại.

Đóng băng vì đại dịch

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới và hiện vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhiều nước rơi vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, Việt Nam đón nhận đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, lây lan trên diện rộng gây hậu quả nặng nề cho xã hội, nhiều ngành kinh tế bị đứt gãy sản xuất, kinh doanh, trong đó có ngành BĐS. Hàng loạt dự án phải ngừng hoạt động xây dựng, hoàn thiện thủ tục đầu tư, ảnh hưởng đến nguồn cung thị trường. Đồng thời do phải giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã làm giao dịch trên thị trường bị ngưng trệ.
 Khách hàng tham khảo một dự án nhà ở tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Số liệu tổng hợp từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong 9 tháng năm 2021 tổng nguồn cung mới trên thị trường đạt trên 165.700 sản phẩm nhưng lượng giao dịch chỉ đạt khoảng 61.800 sản phẩm, chiếm khoảng 37% tổng nguồn cung. Riêng quý III/2021 lượng cung sản phẩm trên thị trường thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Cụ thể, thị trường Hà Nội, tổng sản phẩm chào bán 5.886 sản phẩm, giao dịch 1.745 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 29,6%. Thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ có nguồn cung 3.516 sản phẩm, giao dịch 2.724 sản phẩm. Dữ liệu của kênh thông tin BĐS batdongsan.com.vn cho thấy, mức độ quan tâm đến BĐS sụt giảm mạnh trong thời gian dịch bệnh. Trong đó, địa bàn có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Trong khi đó, khu vực Đà Nẵng và Trung Trung Bộ có 22 dự án nhà ở được chào bán (nhưng chỉ 3 dự án mới) cung cấp cho thị trường hơn 2.600 sản phẩm. Lượng người mua tại thị trường này giảm 80% vì kinh doanh giảm sút. Giá nhà hiện nay ở Đà Nẵng giảm khoảng 10% so với thời điểm trước tháng 5/2021 nhưng cũng rất khó bán. Trong khi đó, sản phẩm căn hộ mức giảm từ 10 - 20%.

“Thị trường BĐS, đặc biệt ở Nam Trung Bộ và khu vực phía Nam khá ảm đạm do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, sự hạn chế di chuyển của các địa phương. Chủ đầu tư hiện khá e dè việc mở bán trong giai đoạn này, một số dự án triển khai bán hàng online thay cho giải pháp bán hàng offline tập trung như trước đây nhưng hiệu quả không cao” – ông Lê Đại Việt, thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường (Hội Môi giới BĐS Việt Nam) cho hay.

Thanh khoản thấp kỷ lục

Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS Trần Khánh Quang, rất khó để kỳ vọng vào kịch bản màu hồng trong 3 tháng cuối năm 2021 đối với thị trường BĐS, đặc biệt là khu vực phía Nam, dù đợt “mở cửa” trở lại trùng vào mùa cao điểm bán hàng cuối năm.
“Dư chấn của đợt dịch lần thứ 4 làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh trong ít nhất 6 tháng nữa, đồng nghĩa với việc những tháng cuối năm 2021 và quý I/2022, thị trường BĐS, đặc biệt là thị trường phía Nam vẫn đứng trước phép thử khó khăn, nhiều thách thức hơn” - ông Trần Khánh Quang nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng dự báo, thị trường BĐS sẽ không có đà tăng trưởng ngay lập tức dù kịch bản sống chung với dịch đã được kích hoạt. Nhiều dự án tái khởi công, DN BĐS đang háo hức chờ ngày trở lại triển khai bán hàng, kinh doanh vào dịp cuối năm, thời điểm "vàng" để gia tăng doanh thu.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà DN BĐS đang phải đối diện là thanh khoản thấp kỷ lục, vì nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động, giao dịch chủ yếu diễn ra từ nhà đầu tư dài hạn.

“Từ nay đến hết 2021, thị trường sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Vì vậy, cần thêm thời gian phục hồi sau khi dịch được kiểm soát. Nhanh cũng phải hết quý I đầu quý II/2022 và chậm phải chờ đến cuối năm 2022, thậm chí đầu năm 2023, thị trường BĐS mới tăng trưởng lại” - TS Đinh Thế Hiển dự báo.

Trước những khó khăn chung của toàn thị trường BĐS, các chuyên gia và cộng đồng DN đều mong muốn Chính phủ có thêm những chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế phí. Cụ thể giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN 70% trong năm 2021, thuế thu nhập cá nhân giảm 50% trong 3 quý cuối năm 2021 và hoãn nộp các loại thuế này 6 tháng kể từ khi hoạt động lại...

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay liên quan đến cơ chế chính sách, cần phải có sự cải cách mạnh mẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN nói chung, DN kinh doanh BĐS nói riêng nhằm tăng trưởng một cách thuận lợi cả trong ngắn hạn và dài hạn. Sau những tổn thất vì dịch Covid-19, DN BĐS rất cần Chính phủ hỗ trợ thông qua việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật để triển khai thêm nhiều dự án sau dịch. Bởi lĩnh vực BĐS liên quan đến rất nhiều ngành nghề, sự phục hồi của lĩnh BĐS sẽ kéo theo sự phục hồi của hàng trăm ngành nghề khác.

"Dự báo sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thanh khoản BĐS sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả tăng nhẹ do thời điểm hiện tại là sự giằng co giữa lực cầu yếu, tâm lý sợ hãi và nguồn cung rất hạn chế. Tuy nhiên, dòng tiền từ chứng khoán, lãi suất cho vay của ngân hàng thấp và nguồn dự trữ trong Nhân dân sẽ chảy vào BĐS." - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS Nguyễn Đức Lập


"Trong quý IV/2021dự báo nguồn cung trên thị trường không có nhiều cải thiện, các dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư (số lượng rất lớn) chắc chắn vẫn gặp nhiều khó khăn chưa thể tham gia thị trường. Áp lực tăng giá BĐS vẫn hiện hữu vì nguồn cung thấp, giá đất (giải phóng mặt bằng), thuế đất, nguyên vật liệu, thiết bị, nhân công... lại liên tục tăng. DN phát triển BĐS và nhà thầu chỉ có thể phục hồi khoảng 50% nếu trạng thái thị trường trở lại bình thường." - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính