Tìm kiếm cơ hội đối với sản phẩm giá thấp
Giữa bối cảnh nhiều khó khăn, một số nhà đầu tư vẫn biết cách tìm kiếm cơ hội đối với những sản phẩm có mức giá thấp hơn thị trường. Tại Đà Nẵng vẫn ghi nhận lượng giao dịch tích cực ở một số khu vực vùng ven với mức giá từ 1,2 - 1,8 tỷ/sản phẩm. Ngoài ra, một số phân khúc BĐS có nhu cầu thực để kinh doanh hay cho thuê vẫn được nhà đầu tư quan tâm. Tương tư, thị trường Quảng Nam là các phân khúc có mức giá 500 - 800 triệu đồng/sản phẩm, vẫn được săn đón.
Đầu tư vào đất nền trong nhiều năm liền, anh Hửu Lượm (TP Đà Nẵng) gần như không thể bỏ qua thời cơ ở giai đoạn hiện tại. Với mức giá giảm sâu và nhiều phân khúc có thể đáp ứng nhu cầu thực nên anh thường xuyên theo sát thị trường và chấp nhận bỏ ra khoản tiền từ 1,5 - 2 tỷ đồng để mua.
Nhìn nhận tính thời điểm của BĐS rất quan trọng, sau đó nghiên cứu đến vị trí, giá cả và pháp lý, anh Lượm cùng một số khách hàng có sẵn tiền mặt luôn ưu tiên chọn mua khu vực có tiềm năng về tăng giá, chính sách phát triển như các dự án lớn, quy hoạch hạ tầng.
“Tôi và một số nhà đầu tư đều hướng đến sản phẩm giảm giá và rơi vào tầm 1,5 tỷ đồng tại khu vực Hòa Liên, Hòa Sơn hay Hòa Ninh, phân khúc có nhu cầu thực và khách hàng có sẵn tiền mặt để tiện nghiên cứu. Thậm chí nếu dùng đòn bẩy tài chính thì cũng không quá nặng nề” - anh Lượm phân tích.
Anh Viết Tài (quê Quảng Nam, làm việc tại TP Hồ Chí Minh) thường xuyên theo dõi thị trường, thậm chí liên hệ các môi giới ở Đà Nẵng để tìm kiếm sản phẩm phù hợp. Cụ thể là phân khúc đất nền dưới 1 tỷ đồng để đầu tư. Theo anh Tài, hiện lãi suất gửi tiết kiệm đã giảm và kinh tế đang có chuyển biến theo chiều hướng tích cực nên có thể nghiên cứu lại việc đầu tư BĐS. Có điều thay vì chọn đất dự án hoặc sản phẩm có mức giá cao, nhiều rủi ro thì nên chọn phân khúc thấp hơn. Đặc biệt, anh liên hệ với các môi giới BĐS để tìm kiếm những sản phẩm cắt lỗ.
“Tôi hướng đến sản phẩm vùng ven, miễn làm sao thuận lợi về giao thông và có dân cư sinh sống là được. Những nhà đầu tư trước đây đều mua giá cao và giờ phải chấp nhận bán với mức giá thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên không phải sản phẩm nào môi giới chào ra thị trường cũng phù hợp nên mất nhiều thời gian để tìm hiểu” - anh Tài chia sẻ và cho biết thị trường nhiều khả năng sẽ không giảm giá thêm, mà có dấu hiệu phục hồi chậm.
Có giao dịch nhưng chưa khởi sắc
Ghi nhận thị trường tại khu vực Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng), nơi có khu dân cư đông đúc và tiện tích hoàn thiện, 2 tháng trở lại bắt đầu có giao dịch tích cực. Riêng giai đoạn tháng 10, trung bình mỗi tuần có khoảng 3 đến 4 giao dịch và nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Nhiều môi giới tích cực tìm kiếm phân khúc có giá trị 1,3 – 1,6 tỷ đồng/sản phẩm và rẻ hơn thị trường khoảng 400-500 triệu đồng để hướng cho khách hàng. Thời điểm cuối tuần, giới đầu tư cũng quay lại để “săn hàng” và chịu khó đi thực tế nghiên cứu.
Các khu vực Hòa Quý, Cẩm Lệ hay Hòa Tiến cũng bắt đầu ghi nhận giao dịch trở lại. Thời gian trước đó nhà đầu tư mua đất chủ yếu sử dụng tiền vay từ ngân hàng nên nhu cầu xả hàng cắt lỗ được xem khá phổ biến. Nắm bắt được tình hình, người mua đã khởi động tìm kiếm, gây sức ép nhằm giảm giá sâu và bước vào giai đoạn thương lượng. Nhìn chung các giao dịch đều rẻ hơn giá mua trước đó tầm 30-40% thì mới có khách hàng đặt cọc. Hiện chủ yếu khách hàng mua để ở và có mức giá dao động khoảng 1,8 - 2 tỷ đồng/sản phẩm.
Là môi giới kinh nghiệm và thành thạo trong khu vực phía nam TP Đà Nẵng, anh Nguyễn Huy Lĩnh cho biết khu vực Hòa Quý có lượng giao dịch đều đặn nhờ mức giá phù hợp so với thị trường. “Tháng 10 khu vực này có khoảng 20 sản phẩm được giao dịch. Tuy nhiên phần lớn khách hàng đều đã được anh em môi giới chăm từ rất lâu, thậm chí chăm 2 đến 3 tháng vẫn chưa chốt được”- anh Lĩnh cho hay.
Cũng theo anh Lĩnh, thị trường có giao dịch trở lại nhưng chưa khởi sắc, bởi phần lớn khách hàng đều hướng đến sản phẩm giá rẻ và thấp hơn thị trường mới nghiên cứu để mua. Hiện các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực và một số nhà đầu tư có lượng tiền mặt vừa phải không biết bỏ vào đâu.
“Giá BĐS vẫn còn rất thấp so với thời điểm cách đây một năm. Nhưng thời gian qua một số khu vực cụ thể đã có chuyển biến tốt hơn, mức giá nhỉnh lên khoảng 50-100 triệu đồng/sản phẩm” – anh Lĩnh thông tin.
Kinh nghiệm gần 10 năm trong nghề và đang quản lý một văn phòng nhà đất tại Quảng Nam, anh Võ Trung Khang đồng quan điểm, thị trường bắt đầu ghi nhận những giao dịch tại khu vực vùng ven. Nhà đầu tư quan tâm các sản phẩm BĐS có hạ tầng giao thông phát triển và dân cư hiện hữu. Tuy nhiên các phân khúc được giao dịch chỉ có mức giá rơi vào khoảng 500-800 triệu đồng/sản phẩm. Một số tín hiệu tích cực được ghi nhận đối với sản phẩm giảm giá sâu đến 30-40% và đường bê tông lớn có dân cư hiện hữu.
“Một số nhà đầu tư bắt đầu liên hệ với các môi giới để tìm kiếm sản phẩm giá rẻ. Đương nhiên để thực hiện được giao dịch không hề đơn giản vì khách hàng quan tâm nhiều đến các yếu tố pháp lý, quy hoạch và thị trường xung quanh. Một số nhà đầu tư trước đây ưu tiên cho việc gửi tiết kiệm trong ngân hàng cũng đã quay lại để tìm hiểu thị trường” – anh Khang nói và cho biết thị trường đang xuất hiện những “vùng trũng” với mức giá hợp lý và tính khai thác phù hợp. Khi cơn sóng ngầm hạ giá không còn tăng nhiệt như trước đây thì thị trường BĐS sẽ sớm quay trở lại.
Đoán định về giá của BĐS trong thời gian đến, anh Khang nhìn nhận đà giảm sẽ ngưng và có chiều hướng đi ngang. Đây là giai đoạn mà người mua sẽ nắm thế chủ động, bởi người sở hữu BĐS phần lớn đều nắm đòn bẩy tài chính và bước vào giai đoạn tái cấu trúc để hướng đến chu kỳ mới.