Trong khi đó, số lượng dự án nhà ở đang triển khai nằm trong top đầu các địa phương trên cả nước, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội đang được kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn phục hồi mới.
Tín hiệu lạc quan
Trong quý III/2023, thị trường BĐS cả nước vẫn đang ở tình trạng trầm lắng nhưng tại Hà Nội các hoạt động vẫn diễn ra tương đối ổn định cả về tỷ lệ giao dịch và giá bán. Mặc dù chưa ghi nhận có sự tăng trưởng đột biến nhưng đây được xem là tín hiệu vô cùng lạc quan trước bối cảnh thị trường còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc như hiện nay.
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý III/2023 cả nước có 863 dự án nhà ở đang được triển khai, riêng Hà Nội có 48 dự án xếp ở vị trí thứ 5 và đứng trên cả TP Hồ Chí Minh về số lượng dự án đang triển khai xây dựng. Cùng với đó, mức giá bán trên thị trường sơ cấp đối với sản phẩm căn hộ chung cư cũng ghi nhận tăng mạnh, khoảng 7% so với quý II và 14% so với cùng kỳ năm 2022. Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% theo quý và 0,8% theo năm. Tất cả các quận trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận giá bán thứ cấp trong quý III tăng so với quý II, trong đó Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm và Gia Lâm đạt mức trên 3%.
Qua khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, những dự án được mở bán thời gian gần đây tại thị trường Hà Nội có lượng lớn sản phẩm thuộc phân khúc trung – cao cấp: dự án Moonlight 1 - An Lạc Green Symphony (huyện Hoài Đức) giá chào bán 39 - 42 triệu đồng/m2; dự án Hoàng Thành Pearl (quận Nam Từ Liêm) 45 - 50 triệu đồng/m2; phân khu Sakura của dự án Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm) khoảng 43 triệu đồng/m2; phân khu The Miami của dự án Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm) 46 triệu đồng/m2. Hay dự án TNR The Nosta (quận Đống Đa) 60 - 75 triệu đồng/m2; dự án Chung cư Han Jardin 51 - 82 triệu đồng/m2; tòa West B thuộc phân khu Mastery West Highs - Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm) 61 triệu đồng/m2...
Đáng chú ý, trong bối cảnh những sản phẩm trung – cao cấp với số lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ thấp do mức giá cao, thì điểm nhấn của thị trường Hà Nội thời gian gần đây, đặc biệt trong quý III/2023 là sự xuất hiện của sản phẩm thuộc phân khúc bình dân từ 25 – 35 triệu đồng/m2. Có thể kể đến như dự án Anland Premium Dương Nội (quận Hà Đông) giá chào bán khoảng 31 triệu đồng/m2; dự án One 18 Ngọc Lâm (quận Long Biên) 27,5 triệu đồng/m2; dự án Eurowindow River Park (huyện Đông Anh) 25,2 triệu đồng/m2; dự án Phương Đông Green Home (quận Long Biên) giá chào bán khoảng 32 triệu đồng/m2...
“Qua khảo sát và nghiên cứu thị trường, chúng tôi nhận thấy trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, phân khúc căn hộ chung cư là loại hình ít chịu ảnh hưởng nhất bởi những tác động tiêu cực do phục vụ nhu cầu ở thực. Đồng thời, mức độ quan tâm chung cư đã có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tìm mua tăng 1% và tìm thuê tăng 6% so với quý II. Trong đó, căn hộ giá từ 2 - 4 tỷ đồng được tìm kiếm nhiều nhất, có dấu hiệu hấp thụ tốt, tập trung tại khu vực lõi trung tâm Thủ đô và các TP lớn” – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho hay.
Đẩy nhanh thực thi cơ chế mới
Một khảo sát khác của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, bên cạnh phân khúc chung cư phục vụ nhu cầu ở thực, thì phân khúc đất nền thời gian gần đây cũng có sự ổn định trong hoạt động giao dịch, giá bán đã được điều chỉnh đi ngang và tăng nhẹ ở những khu vực được đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật – xã hội... Đơn cử như đất nền khu vực xã Nguyên Khê, Hải Bối, Cổ Loa (huyện Đông Anh) ở mức từ 18 – 40 triệu đồng/m2 tùy vị trí, duy trì ổn định từ đầu năm 2023 đến nay và không có biến động lớn. Trong khi đó, khu vực Kim Chung, Di Trạch, An Khánh... (huyện Hoài Đức) do tiếp tục được đầu tư mở rộng, xây mới các tuyến đường giao thông (tuyến Vành đai 3,5 qua địa bàn huyện Hoài Đức khởi công xây dựng vào tháng 6/2023 - PV) nên giá đất nền dự án tăng nhẹ từ 5 – 7%, ghi nhận từ 65 – 75 triệu đồng/m2.
Trong 9 tháng đầu năm 2023 Thủ đô vẫn là địa bàn đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với gần 2,53 tỷ USD cấp mới và tăng vốn. Cùng với đó là những “ông lớn” về bán lẻ: Muji, Starbucks, Central Retail... đang tiếp tục quá trình mở rộng mặt bằng kinh doanh và sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhãn hàng chuyên về thời trang, mỹ phẩm, đồ thể thao châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... sẽ giúp cho thị trường trở nên sôi động hơn trong giai đoạn nửa đầu năm 2024.
“Nhìn nhận một cách khách quan, thời điểm hiện tại các hoạt động của thị trường BĐS Hà Nội vẫn diễn ra chậm nhưng lại có sự ổn định, bởi cả chủ đầu tư và nhà đầu tư vẫn tỏ ra hết sức thận trọng khi nhiều quy định pháp lý liên quan chưa được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, với việc tăng trưởng mạnh về vốn FDI, các thương hiệu lớn mở rộng thị phần và sự hình thành một số quận mới (dự kiến đầu năm 2024) là những yếu tố quan trọng để đưa thị trường BĐS Hà Nội bước vào một giai đoạn phục hồi mới” – Giám đốc Savills Hà Nội Matthew Powell nhận định.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Chí Thanh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất đối với thị trường BĐS nói chung và Hà Nội nói riêng là câu chuyện liên quan đến cơ chế, chính sách. Trong đó quan trọng nhất là phải hoàn thành các dự thảo luật (liên quan đến việc tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng...) theo đúng kế hoạch. “Chính phủ cần xây dựng hệ thống thông tin về thị trường BĐS, tăng cường quản lý và bám sát thị trường để điều tiết một cách kịp thời, chính xác nhất. Ngoài nguồn vốn quen thuộc, cần có cơ chế, chính sách phát triển nguồn vốn khác như quỹ đầu tư BĐS REIT, Quỹ tiết kiệm nhà ở… nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn ngoại từ các quỹ đầu tư nước ngoài” – ông Nguyễn Chí Thanh kiến nghị.
Thời gian gần đây, mặc dù bối cảnh chung của thị trường BĐS còn nhiều khó khăn nhưng những dự án nhà ở, khu đô thị ven trung tâm Hà Nội được ghi nhận là điểm sáng khi các chủ đầu tư vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư. Những dự án này đều có tốc độ tăng trưởng giá tốt, do được hưởng lợi từ mạng lưới hạ tầng. Nhìn chung tất cả các khu vực của Hà Nội đều đang có lợi thế riêng biệt để bước vào giai đoạn phục hồi, tăng trưởng mới nhưng chúng tôi cho rằng thời gian tới, phía Bắc và phía Đông là khu vực tiềm năng nhất của thị trường BĐS Hà Nội.
Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh
Để thị trường BĐS tiếp tục phục hồi, tăng trưởng cần giải pháp đồng bộ từ tất cả các bên liên quan (Nhà nước, DN, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng). Nhưng quan trọng nhất hiện nay là Nhà nước phải sớm hoàn thiện các luật sửa đổi, giúp thị trường BĐS có định hướng rõ ràng, đồng thời rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hành chính, hài hòa lợi ích chung, tạo ra sự linh hoạt trong cơ chế quản lý.
Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng