Không có báo cáo chính thống
Tại Hội thảo chuyên đề “Nhận diện nghề môi giới BĐS” do Hội Môi giới BĐS Việt Nam vừa tổ chức tại TP Đà Nẵng, TS Lê Đăng Doanh thông tin: Theo Bộ Xây dựng, nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin - cho trong việc giao dự án BĐS, dễ phát sinh tiêu cực. Bên cạnh đó, thị trường BĐS phát triển chưa có sự kiểm soát hiệu quả từ phía các cơ quan Nhà nước, nhất là ở địa phương.
Đáng nói, hiện chưa có hệ thống quản lý và thống kê dữ liệu về sở hữu BĐS, giao dịch BĐS đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý Nhà nước từ T.Ư tới địa phương. “Người dân không thể nào biết chính xác diễn biến giá cả của thị trường BĐS để có thể xác định hướng đầu tư đúng đắn, bởi cơ quan quản lý không có báo cáo chính thống hàng tháng hoặc hàng quý” - TS Lê Đăng Doanh nói.
Một nghịch lý đang diễn ra là những báo cáo hàng quý, hàng năm đều đặn nhất lại đến từ những công ty kinh doanh BĐS nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam. Độ chính xác của những báo cáo này thì không ai kiểm chứng, bởi không có số liệu chuẩn để đối chiếu. Hơn nữa, vì là đơn vị kinh doanh nên chắc chắn thông tin đưa ra phải có lợi cho dự án của họ.
Theo TS Lê Đăng Doanh, sự thiếu minh bạch này chính là sự bất đối xứng thông tin, một thiếu sót của thị trường BĐS. Người tiêu dùng phải tham khảo nhiều nguồn tin khác nhau để tránh bị rơi vào bẫy và phải trả giá đắt khi mua BĐS.
Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe
Ông Trần Minh Hoàng - Phó Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, cả nước hiện có khoảng 300.000 người tham gia hành nghề môi giới BĐS, trong đó, Hà Nội có 70.000 người, TP Hồ Chí Minh 90.000 người. Tuy nhiên trên thực tế, hiện cả nước mới chỉ có 33.000 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và khoảng 80% BĐS giao dịch thành công thông qua môi giới.
Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân làm môi giới BĐS đã sử dụng mánh khóe để trục lợi cá nhân, thay vì tư vấn cho người dân. Tình trạng “cò đất” tung tin thất thiệt, bịa đặt để tạo các cơn sốt đất gây loạn thị trường diễn ra thường xuyên tại nhiều địa phương.
“Nhìn chung, môi giới BĐS ở Việt Nam có trình độ ở mức thấp, thiếu chuyên nghiệp. Hầu hết môi giới BĐS hoạt động độc lập tại các sàn giao dịch BĐS ở Việt Nam đều xem nhẹ các quy định pháp luật như: Đăng ký hoạt động, báo cáo tài chính, thuế, đặc biệt là chứng chỉ hành nghề; dễ thỏa hiệp và tiếp tay cho các chủ đầu tư, làm ảnh hưởng tính bền vững của thị trường BĐS và quyền lợi người tiêu dùng" - ông Hoàng đánh giá.
Vì thế, hệ thống pháp lý trong lĩnh vực môi giới BĐS đang được nhiều người quan tâm. Về vấn đề này, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho hay: Hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi giới BĐS thời gian qua liên tục được cập nhật và chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bất cập như chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ông Hà Quang Hưng lấy ví dụ: Giá trị một thương vụ môi giới BĐS tầm 5 - 10 tỷ đồng nếu so với chế tài xử phạt được quy định tại Nghị định 139 là từ 10 - 50 triệu đồng là chưa đảm bảo tính răn đe. Vì thế, thời gian tới, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành sửa đổi quy định để đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định.
Theo thống kê của JLL, Lasalle về minh bạch BĐS châu Á – Thái Bình Dương, hiện Việt Nam đang đứng thứ 61 về chỉ số minh bạch BĐS, xếp hạng cao nhất trong nhóm “Kém minh bạch” và đang ở ngưỡng quá độ lên nhóm “Bán minh bạch”. |