Thị trường BĐS Hà Nội: Cái khó ló cái “khôn”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thị trường trầm lắng khiến các chủ thể tham gia thị trường BĐS tìm mọi phương cách để tồn tại, trong đó, dịch vụ tư vấn "lách luật" đã được một số sàn giao dịch BĐS thực hiện. Chưa biết đây có thực sự là một kế khôn hay không nhưng có lẽ áp lực tồn tại đã buộc các sàn này phải "bất đắc dĩ" làm vậy.

Từ "thắt lưng buộc bụng"...

Thị trường trầm lắng khiến các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn nên để tiết kiệm chi phí, không ít chủ đầu tư dự án đã chọn cách trực tiếp hoặc tìm nhà phân phối tiếp thị dự án trong nước thay vì những tên tuổi "ngoại" như trước kia.

Chẳng hạn, Công ty Hưng Gia Việt đã có được hợp đồng tiếp thị và phân phối độc quyền dự án PetroVietnam Green House; Công ty Xây dựng địa ốc Đất Ngọc cũng có được quyền phân phối dự án Green Hills Apartment hay Tập đoàn BĐS Thế Kỷ đã giành được quyền tiếp thị Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở Lilama tại 52 Lĩnh Nam, Hà Nội… Mới đây nhất, CTCP Tấc Vàng đã giành được hợp đồng tiếp thị và phân phối căn hộ tại dự án khá đình đám là tòa nhà Indochina Plaza Hanoi tọa lạc tại 239 Xuân Thủy, Hà Nội, sau một thời gian dài Indochina Land chỉ toàn "chơi" với đối tác ngoại trong khâu tiếp thị, phân phối.

Theo quan điểm của không ít doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án, trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, tính hiệu quả và lợi nhuận được đặt lên trên hết và việc chọn doanh nghiệp nội tiếp thị cho dự án của mình hay tự mình chào bán sản phẩm là một trong những cách mà chủ đầu tư  tính đến nhằm "thắt lưng buộc bụng" trong thời điểm khó khăn.

 ... đến tư vấn "lách luật"

Việc các chủ đầu tư buộc phải tạm thời từ bỏ các nhà tiếp thị nước ngoài để tiết giảm chi phí có thể tạo ra cơ hội cho các sàn giao dịch BĐS trong nước. Tuy nhiên, cơ hội này là không lớn. Thực tế, không ít dự án tên tuổi ở Hà Nội hiện nay như Tòa nhà Xanh 40 tầng tại Mỹ Đình của Viglacera, dự án Star City của Tập đoàn Đại Dương, khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường, nhiều dự án BĐS của Archi Land Việt Nam... được các doanh nghiệp tự tay bán hàng, không thuê đối tác ngoại, cũng chẳng mướn đối tác nội.

Còn với những dự án được chủ đầu tư chủ trương thuê tiếp thị từ các sàn BĐS trong nước, cơ hội cũng chỉ dành cho các sàn BĐS lớn, bởi yêu cầu của chủ đầu tư và tính chất của dự án đòi hỏi các doanh nghiệp nội ngoài việc phải có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp biết khai thác triệt để lợi thế am hiểu thị trường cũng như tập quán và thị hiếu của khách hàng.

Vì vậy, tình cảnh chung của các sàn BĐS là khách hàng vắng hoe, giao dịch thưa thớt và nhân viên được cho nghỉ việc hàng loạt. Theo số liệu do Savills Việt Nam thống kê và công bố, 15% sàn giao dịch BĐS đóng cửa từ đầu năm đến nay. Trao đổi với phóng viên ĐTCK, giám đốc một sàn giao dịch BĐS lớn tại Hà Nội cho biết, trên thực tế phải có đến 30% các sàn giao dịch lớn (có chứng nhận của cơ quan chức năng) đã đóng cửa, còn các loại trung tâm giao dịch tự phát, nhất là ở các vùng ven Hà Nội, thì đến 90% đã đóng cửa từ mấy tháng nay.

Túng làm liều. Ai cũng biết việc ra đời các sàn giao dịch BĐS là để làm minh bạch hóa hoạt động mua bán nhà đất, nhưng trong bối cảnh "ngặt nghèo" của thị trường như hiện nay, nhiều sàn đã phải dùng "chiêu" tư vấn "lách luật" để tồn tại. Giám đốc một sàn giao dịch tại khu Trung Yên (xin được dấu tên) cho biết, hiện các sàn đã phải tư vấn cho khách hàng "lách luật" để sang tên hợp đồng góp vốn.

Cụ thể, do Nghị định 71 không cho phép chủ đầu tư sang tên hợp đồng đối với hợp đồng góp vốn. Vì vậy, khách hàng được tư vấn "lách luật" bằng cách ký hợp đồng công chứng ủy quyền tiếp tục thực hiện hợp đồng. Họ sẽ viện ra một lý do nào đó như đi công tác xa, công tác nước ngoài… rồi ủy quyền cho một người khác thực hiện tiếp hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư, còn việc mua bán thật sự sẽ được thực hiện bằng giấy viết tay để làm tin và đưa tiền trực tiếp cho nhau. Chính vì vậy, việc mua bán các loại hợp đồng góp vốn hoặc vay vốn hiện nay, về mặt pháp lý là không đảm bảo. Tuy nhiên, nhờ vào việc đứng ra "lo" làm thủ tục ủy quyền như trên mà các sàn cũng thu được một khoản phí nhất định để duy trì hoạt động.

Một số sàn thì không chỉ bó gọn trong hoạt động môi giới mua bán BĐS thông thường như trước đây mà còn mở rộng lĩnh vực hoạt động. Ví dụ như sàn giao dịch BĐS Winlands, ngoài việc cung cấp cho các khách hàng thông tin về giá, về quy hoạch, về thủ tục pháp lý và cả thông tin về chính BĐS giao dịch…, sàn này còn cung cấp một số dịch vụ khác hỗ trợ trong quá trình giao dịch của khách hàng như quảng cáo, định giá, đấu giá, quản lý BĐS và tư vấn pháp lý, tư vấn phong thủy, tư vấn thiết kế nhà ở...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần